Để Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá ngày càng đi vào cuộc sống

31/05/2019 06:13

Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có khoảng 69 chất gây ung thư. Các hóa chất này khi vào cơ thể con người sẽ tác động lên tế bào, gây viêm mạn tính, biến đổi tế bào, dẫn đến loạn sản rồi ác tính hóa. Nicotine trong khói thuốc lá là chất được xếp vào nhóm các chất gây nghiện tương tự như Heroin và Cocain.

Mặc dù Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua đến nay đã 7 năm, nhưng trong đời sống xã hội vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa hiểu hết tính chất độc hại của nó, nên vẫn còn hút thuốc lá ở khắp mọi nơi.

Hiện nay, các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, các bến xe, khu vui chơi giải trí, các công viên công cộng…, vẫn có không ít người trên tay luôn cầm điếu thuốc lá và thản nhiên thả khói vào chỗ đông người, coi đó như là một hành động bình thường. Họ đã vô tình gây ra sự hút thuốc lá thụ động cho người khác và cho chính bản thân họ, gián tiếp gây bệnh cho những người xung quanh và cho toàn xã hội.

Khoa học đã chứng minh, khói thuốc lá là một trong các nguyên nhân gây ra hơn 25 căn bệnh khác nhau như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch… Sử dụng thuốc lá là một trong các nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm. Tính chung trên thế giới, sử dụng thuốc lá gây ra 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về phổi, tim mạch... (Ảnh: nguồn internet)

 

Chủ đề phòng chống tác hại thuốc lá năm 2019 là “Thuốc lá và các bệnh về phổi”, nên việc tuyên truyền cho người dân biết về tác hại của thuốc lá đối với các bệnh về phổi càng trở nên quan trọng. Thuốc lá là nguyên nhân gây hơn 90% ca tử vong vì ung thư phổi. Ung thư phổi không phổ biến ở người không hút thuốc lá. Thực tế ung thư phổi là căn bệnh hiếm thấy trước khi việc sử dụng thuốc lá trở nên phổ biến. Trong vòng 60 năm qua, tỷ lệ ung thư phổi tăng lên đáng kể cùng với số lượng người hút thuốc lá gia tăng. Trung bình người hút thuốc lá tăng nguy cơ liên quan tới ung thư phổi từ 5-10 lần. Nhiều nghiên cứu đã xác định, có ba xu hướng quan trọng, đó là: Nguy cơ ung thư tăng với số lượng thuốc lá hút trong ngày, nguy cơ ung thư tăng với thời gian hút thuốc lá, đo lường theo năm và nguy cơ ung thư tăng với người bắt đầu hút thuốc lá khi còn trẻ.

Bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính là sự phân loại bệnh để chỉ sự ảnh hưởng của phổi liên quan với sự cản trở đường dẫn khí. Hai dạng chính của bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính là viêm phế quản mãn tính và khí phế thủng. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây cả hai bệnh trên. Mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá và các bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính mạnh tương tự như mối liên quan giữa hút thuốc lá và ung thư phổi. Bởi vì, người hút thuốc lá thường bị suy yếu chức năng niêm mạc phế quản hơn người không hút thuốc lá, họ bị ảnh hưởng nhiều hơn từ môi trường, lây nhiễm và các khói độc. Ước tính các bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính ở người hút thuốc lá cao hơn 10 lần so với người không hút thuốc lá và sử dụng thuốc lá có thể liên quan tới hầu hết các ca tử vong các bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính.

Từ ngày Luật PCTHTL có hiệu lực, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh tổ chức nhiều hoạt động và mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 372/QĐ-UBND ngày 31/7/2014 về việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh; định kỳ hàng năm tham mưu Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh ban hành công văn, kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực thi Luật PCTHTL và hưởng ứng Ngày Thế giới PCTHTL (31/5). Nhờ vậy, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh dần quan tâm hơn đến việc thực hiện môi trường không thuốc lá tại nơi làm việc, tuyên truyền nhiều hơn cho người dân về tác hại của thuốc lá, từ đó góp phần từng bước giảm tỷ lệ người hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của bản thân, gia đình và hậu quả đối với nền kinh tế - xã hội, cũng như ý thức chấp hành việc cấm hút thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm theo Luật PCTHTL chưa cao. Nhiều người dân khi đến các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, đi lại trên các phương tiện công cộng và những địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn vẫn còn hút thuốc lá, trong khi đó việc xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm các quy định về cấm hút thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn.

Để Luật PCTHTL ngày càng đi vào cuộc sống, Giám đốc Sở Y tế Đào Duy Khánh cho biết, ngành Y tế tỉnh tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh và UBND tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và các quy định của Luật PCTHTL; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc thực hiện tốt môi trường không thuốc lá và tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát việc thực thi Luật PCTHTL trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế cũng sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đưa nội dung cấm hút thuốc lá làm tiêu chí đánh giá kết quả phân loại công chức, viên chức, người lao động hàng năm và tham mưu Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc thực thi Luật PCTHTL tại tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh việc xử phạt đối với người có hành vi hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ để Luật PCTHTL thực sự đi vào cuộc sống, góp phần bảo vệ sức khỏe cho toàn dân.

Hà Nguyên

 

Chuyên mục khác