Để không còn lời ru buồn

03/11/2019 06:15

Bên cạnh nhà trường và các cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh nên chia sẻ, quan tâm, nhắc nhở, động viên các con chăm chỉ học tập, không chơi bời lêu lổng, tránh yêu sớm, để không còn lời ru buồn…

Ở tuổi trăng tròn, mang bầu, vậy là bé gái trong xóm đành phải bỏ học để đi lấy chồng. “Ăn chưa no, lo chưa tới”, em vẫn còn mơ hồ, không nghĩ bây giờ mình đã là mẹ. Trong suốt thời gian mang bầu, em không biết cách bổ sung chất dinh dưỡng, không biết cách chăm sóc cho bản thân. Thậm chí, ngày bụng to vượt mặt, em vẫn còn chạy chơi đá bóng với cậu em trai. Và em sinh non, bé con sinh ra chưa được 2,5kg.

Những tưởng câu chuyện thăm thẳm buồn ấy trở thành lời cảnh tỉnh cho các cô gái cùng trang lứa. Thế nhưng không, chuyện này chưa hết xôn xao, cả xóm nhỏ lại tưng hửng khi cô bạn thân của em (chung xóm) cũng lao vào vết xe đổ, gác lại việc học, gấp rút viết thiệp mời. Ngày cưới, nhìn gương mặt non nớt của cô dâu trong bộ váy cưới, ai nấy đều thoáng âu lo. Mọi người còn ngỡ ngàng khi chú rể quá trẻ con, đòi “bỏ vợ chứ không bỏ bia rượu” trước mặt hai bên gia đình.

Xóm nhỏ phút chốc có 2 bà mẹ trẻ con. Mẹ chưa trưởng thành, bố cũng chưa thành niên, đến việc chăm sóc cho bản thân chưa xong, làm sao chăm được con. Vậy là, từ thay tã, thay bỉm, tắm giặt cho con… các em đều phải nhờ vào mẹ của mình - bà ngoại. Gia đình đã khó khăn lại càng chật vật hơn khi bà ngoại phải nghỉ việc để ở nhà chăm con, chăm cháu rồi chăm cả con rể.

Đâu chỉ có câu chuyện của 2 cô bé trong xóm, trong những chuyến công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh chúng tôi đã bắt gặp những cặp vợ chồng trẻ con. Nhiều cô bé còn đang tuổi học trò đã “một nách 2 con”. Có nơi, nhiều cặp “choai choai” cứ thích nhau lại khăn gói về ở chung, rồi “bác sĩ bảo cưới”, thế là tảo hôn lại trở thành điều... bình thường. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, trong năm 2018 tỉnh ta có đến 172 cặp (207 trường hợp) tảo hôn.

Tuyên truyền về nạn tảo hôn cho người dân. Ảnh: Internet

 

Tuổi vị thành niên, cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, cộng thêm thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm và chưa sẵn sàng tâm lý để mang thai nên việc sinh con sớm sẽ có nguy cơ làm tăng gấp 2 lần tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi; tăng tỉ lệ tử vong ở nhóm trẻ em từ 1-5 tuổi; tăng tỉ lệ tử vong của các bà mẹ mang thai sớm (cao gấp 5 lần) so với những người mẹ trên 20 tuổi. Và đặc biệt, các cháu bé sinh ra vì không được chăm sóc đàng hoàng nên hay bị bệnh tật, khuyết tật…

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé, nhiều trường hợp, vì bố mẹ chưa đủ tuổi kết hôn nên con cũng bị chậm trong việc làm giấy khai sinh. Như trường hợp ở xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, cháu bé đã 4 tuổi vẫn chưa được làm giấy khai sinh. 

Thực tế cho thấy, hiếm có cặp “vợ chồng trẻ con” nào thoát khỏi vòng luẩn quẩn nghèo đói. Bởi lẽ, tuổi còn nhỏ, thất học, không công việc, không có khả năng kiếm sống làm sao tránh khỏi cảnh ăn bữa nay lo bữa mai. Nhiều cặp vợ chồng còn trở thành gánh nặng cho cả gia đình. Không chỉ thế, kết hôn sớm cộng với việc không biết kế hoạch hóa gia đình dễ dàng dẫn đến “giàu con, nghèo của”. Và rồi đã nghèo lại càng thêm nghèo.

Trước những áp lực của những gia đình tảo hôn lên xã hội, năm 2015, Ban Dân tộc tỉnh đã lựa chọn hai xã Ngọc Tem và Đăk Nên của huyện Kon Plông để xây dựng mô hình điểm về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Sau 3 năm triển khai, với việc tuyên truyền sinh động, tư vấn cặn kẽ cho bà con, mô hình đã đem lại tín hiệu vui. Năm 2015, xã Ngọc Tem có 25 hộ tảo hôn, đến năm 2018 chỉ còn 1 trường hợp. Còn tại xã Đăk Nên từ năm 2015 đến 2018 chỉ có 2 trường hợp tảo hôn.

Mô hình điểm bước đầu đem lại hiệu quả cao chứng tỏ việc tuyên truyền là giải pháp hữu hiệu, giúp thay đổi nếp nghĩ cũ đã ám ảnh từ bao đời. Do đó, bên cạnh việc áp dụng các chế tài xử lý, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, cung cấp kiến thức về Luật hôn nhân và gia đình đến từng hộ gia đình. Bên cạnh đó, về phía nhà trường, ngoài việc dạy kiến thức, cần chú trọng việc giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên để học sinh hiểu rõ hệ lụy của việc kết hôn sớm.

Ngày nay, phương tiện thông tin phát triển mạnh, giới trẻ dễ dàng tiếp cận với các trò chơi, phim ảnh không lành mạnh, bên cạnh nhà trường và các cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh nên chia sẻ, quan tâm, nhắc nhở, động viên các con chăm chỉ học tập, không chơi bời lêu lổng, tránh yêu sớm, để không còn lời ru buồn…             

Hoài Tiến

Chuyên mục khác