Để khai thác tốt tiềm năng du lịch cộng đồng

27/11/2019 13:08

Phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh dựa vào thiên nhiên, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng là một trong số mục tiêu được xác định trong Đề án“Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020” đã được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 1607 cuối năm 2016. Từng bước hình thành và phát triển du lịch cộng đồng không chỉ chứng tỏ hướng đi đúng, mà còn ghi nhận tiềm năng của loại hình du lịch này ở vùng Bắc Tây Nguyên.

Du lịch cộng đồng được hiểu đơn giản là hoạt động của một cộng đồng tham gia làm du lịch, dựa vào điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa của đồng bào địa phương. Ở tỉnh Kon Tum, tiềm năng của du lịch cộng đồng không chỉ nằm ở đặc thù địa hình vùng núi cao, có nhiều diện tích rừng và sông suối, mà còn ở chính hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS tại chỗ. Hình thành và phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS là hướng đi đã được xác định. Ông Phan Văn Hoàng - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Quán triệt chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến nay, hầu hết các huyện, thành phố đều khảo sát, chọn lựa điểm du lịch cộng đồng để có kế hoạch đầu tư xây dựng, phát triển”.

Trước hết, phải kể đến 3 làng du lịch cộng đồng đã ra đời và từng bước phát triển. Đó là làng Kon K’tu của đồng bào dân tộc Ba Na ở xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum; làng Kon Pring của đồng bào Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) ở thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông; làng Đăk Răng của đồng bào Triêng (một nhánh của dân tộc Giẻ Triêng) ở xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi. Một số làng du lịch cộng đồng đang trong quá trình hình thành như làng Kon Brắp Du (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy), làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy), làng Ba Rgốc (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy), làng Pu Tá (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông)… Gắn với yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và nỗ lực xây dựng nông thôn mới, danh sách này sẽ còn tiếp tục dài thêm.

Du khách tham quan làng du lịch Kon K'tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum. Ảnh: XB

 

Các làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đều có lợi thế riêng về địa hình, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, vị trí giao thông khá thuận tiện, đặc biệt là lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Đến đây, du khách không chỉ được hòa mình vào đời sống, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào địa phương, làm quen với dân ca, nhạc cụ truyền thống qua giao lưu chiêng-xoang, thưởng thức các món ăn…; mà còn có dịp trải nghiệm những hoạt động thú vị như đi rẫy, ra đồng, chèo thuyền trên sông, đan lát tre nứa, dệt thủ công, chế tác nhạc cụ, tạc tượng gỗ…; hay tìm hiểu về nét đẹp kiến trúc, văn hóa dân gian, ngành nghề thủ công của bà con. Hình thức lưu trú tại nhà dân (homestay) được các gia đình ở Kon K’tu, Kon Pring đưa vào hoạt động cũng thu hút đáng kể du khách, tạo thêm ấn tượng về làng du lịch cộng đồng.

Triển khai hợp phần xúc tiến thương mại - du lịch thuộc Dự án Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, tỉnh Kon Tum được đầu tư hơn 13,6 tỷ đồng, hỗ trợ triển khai các điều kiện phục vụ du lịch cộng đồng tại làng Kon K’tu và làng Kon Pring. Nhờ đó, bước đầu, Công ty TNHH MTV Du lịch Măng Đen đại ngàn và hai hộ dân ở làng Kon Pring đã được hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng để dựng nhà sàn truyền thống, phục vụ đón khách lưu trú theo hình thức homestay và trưng bày giới thiệu sản phẩm du lịch cộng đồng.

Để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa, đời sống đồng bào tại chỗ, việc đầu tư hạ tầng các làng du lịch cộng đồng được tỉnh định hướng phát triển. Tuy vậy, cho đến nay, đây vẫn là vấn đề đáng lưu tâm của địa phương.

Nói về thực tế giao thông tại làng Kon K’tu, anh A Tuys - người dân trong làng chia sẻ: Trước đây, đường vào làng cũng đỡ chứ không xấu như bây giờ. Xe chở cát, đá chạy suốt ngày nên đường bị phá hư. Chúng tôi mong thành phố làm lại con đường để dân làng đi lại thuận tiện, khách du lịch tới tham quan nhiều hơn.

Cùng với quan tâm hoàn thiện điều kiện hạ tầng, theo ông Phan Văn Hoàng cần quan tâm mở rộng gắn kết du lịch cộng đồng với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp…, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm dành cho du khách và làm phong phú thêm các mặt hàng lưu niệm do chính đồng bào tại chỗ làm ra.

Tiềm năng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đang được đánh thức. Song, để khai thác, phát huy thế mạnh này theo hướng phát triển hài hòa các loại hình du lịch góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững cho người dân, vẫn rất cần một chương trình, kế hoạch tổng thể và những bước đi cụ thể, phù hợp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.           

Thanh Như

Chuyên mục khác