Để hiểu hơn giá trị của độc lập, tự do

30/04/2020 13:06

Cùng với nhân dân cả nước, mỗi người dân Kon Tum, đặc biệt là những người từng sống, chiến đấu trong những năm tháng kháng chiến, rồi lại trải qua hành trình xây dựng, kiến thiết quê hương, thì hàng năm cứ đến những ngày tháng Tư lịch sử này càng có ý nghĩa thiêng liêng và tự hào hơn; bởi họ đã góp phần làm nên những trang sử vàng son, chói lọi…

Những năm tháng chưa xa

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, nhưng với những người đã từng trải qua những năm tháng lao động, chiến đấu để góp phần giành lại độc lập cho Tổ quốc thì đó là những tháng ngày chưa xa. Tháng Tư về, không khí rạo rực, bồi hồi của ngày chiến thắng, chút bâng khuâng, niềm hạnh phúc khi non sông thu về một dải lại lại ùa về trong tâm trí họ.

Khẽ nhấp ngụm trà nóng, trầm ngâm một lát, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Cao nhớ lại: Năm 1971, tôi được Ban Thống nhất Trung ương điều động đi B, phân công về Ban sản xuất khu Trung Trung bộ (đứng chân trên địa bàn Quảng Nam). Tuy không trực tiếp cầm súng ra tiền tuyến, nhưng trong chiến tranh, công tác sản xuất cũng là một mặt trận, gian khổ, ác liệt không kém và mỗi chúng tôi đều là một chiến sĩ. Ngày 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là một sự kiện trọng đại với đất nước, là niềm hạnh phúc vô bờ với mỗi người dân Việt Nam khi ấy, bởi cả dân tộc đã chờ đợi ngày này 21 năm với biết bao mất mát, hy sinh.

Nói đoạn, giọng như nghẹn lại, nhấp thêm mấy ngụm trà như để kìm lại cảm xúc, ông Nguyễn Thanh Cao mới tiếp lời: Lúc ấy, khi nghe tin chúng ta giải phóng Sài Gòn trên sóng đài Tiếng nói Việt Nam, phải nói là chúng tôi vui mừng đến trào dâng nước mắt. Hạnh phúc lắm, vì sau bao nhiêu năm chia cắt, khát vọng thống nhất đất nước đã thành hiện thực, nhưng cũng xót xa lắm, vì biết bao nhiêu người đã vĩnh viễn nằm xuống, biết bao người đã hy sinh một phần xương máu mới có niềm vui ngày toàn thắng. Với riêng tôi, khi ấy chỉ có một mong ước là nhanh chóng được về nhà thắp cho mẹ nén nhang.  Bởi, năm 1955, tôi ra Bắc học tập khi mới là một cậu thiếu niên 12 tuổi, sau đó khoảng nửa năm mẹ  tôi mất, đến khi về Nam rồi, thậm chí có lúc về công tác tại Bình Định vẫn chưa được thể thăm nhà.

Huân chương chiến công giải phóng trong những năm chiến đấu tại chiến trường Kon Tum được ông Long gìn giữ cẩn thận. Ảnh: TH

 

Với ông Trần Mạnh Long – nguyên là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, cho đến giờ, ký ức về những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên vẫn chưa một chút phai mờ.

Ông Trần Mạnh Long chia sẻ: Năm 1971, tôi nhập ngũ và được phân về Trung đoàn 66, thuộc B3 (nay là Quân đoàn 3), biên chế vào Trung đội súng phun lửa. Từ năm 1971- 1974, tôi tham gia nhiều trận đánh trên địa bàn Kon Tum, đầu tiên là giải phóng Đăk Tô- Tân Cảnh, rồi đến giải phóng Plei Kần,  giải phóng Đăk Pét…, sau đó tôi được cử đi học tại Trường Quân chính. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in từng chi tiết của các trận đánh, nhớ những đồng đội đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, nhớ cả cảm xúc khi từng vùng căn cứ được giải phóng...

Tuy không có mặt tại Sài Gòn vào thời khắc lịch sử, nhưng trong thời điểm miền Nam hoàn toàn giải phóng, những người lính như ông Trần Mạnh Long vẫn được hưởng niềm vui trọn vẹn, vì chính họ là những người góp phần làm nên một Đại thắng mùa Xuân 1975- mùa Xuân lịch sử.

“Hồi ấy, cả Trung đội tôi chỉ có 1 đài bán dẫn, tất cả đều áp tai vào để nghe tin về chiến dịch giải phóng miền Nam. Suốt mấy ngày, anh em chúng tôi gần như không ăn, không ngủ, chỉ trực chờ đợi tin thắng trận với bao hồi hộp, vui mừng trào dâng. Khi nghe được tin chính quyền Ngụy Sài Gòn đầu hàng Quân giải phóng vô điều kiện, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, phải nói là không có niềm vui nào bằng và thực lòng tôi cũng gọi tên tâm trạng khi ấy như thế nào, lâng lâng, xúc động, tự hào, vui mừng, nhiều cảm xúc đan xen khó tả.

 Với tất cả những người đã từng sống trong những năm chiến tranh, trải qua bao gian khổ, chứng kiến bao mất mát, hy sinh như ông Nguyễn Thanh Cao, ông Trần Mạnh Long… họ càng hiểu và trân quý giá trị của độc lập, thống nhất.

Tự hào đi lên từ gian khó

Sau 45 năm, kể từ  ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cùng với sự phát triển của đất nước, Kon Tum đã có những sự chuyển mình rõ nét trên mọi phương diện.

Sau khi đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh; nhân dân các dân tộc Kon Tum cũng tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vượt qua những khó khăn, khai hoang đồng ruộng trồng lúa nước để đẩy lùi nạn đói,  từng bước xây dựng kinh tế - xã hội.

Chặng đường Kon Tum thực sự bứt phá kể từ sau khi tái lập tỉnh (tháng 8/1991) đến nay. Với những chủ trương đúng đắn, quyết sách hợp lý của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, quyết tâm hành động của chính quyền các cấp cùng với ý chí kiên cường, bền bỉ, sự nhất trí, đồng lòng của cán bộ, nhân dân các dân tộc, Kon Tum dần “thay da đổi thịt”.

Và hôm nay, khi nhìn lại chặng đường 45 năm qua, người dân Kon Tum có quyền tự hào về thành quả phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh mà dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự quản lý điều hành linh hoạt, sáng tạo của chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được, đem lại một diện mạo đổi thay chưa từng có trên quê hương.

Ông Nguyễn Thanh Cao luôn quan tâm và theo dõi tin tức trên báo chí của tỉnh. Ảnh: TH

 

Ông Nguyễn Thanh Cao trải lòng: Quá nửa đời gắn bó với Kon Tum, cũng là thế hệ cán bộ lãnh đạo của thời kỳ đầu sau khi Kon Tum tái lập, tôi thực sự rất vui và cảm thấy tự hào về những bước đi vững chắc của tỉnh nhà. Tôi đặc biệt ấn tượng về tốc độ phát triển của hạ tầng cơ sở, đã tạo ra đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; công tác giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Rồi ông nêu ra một loạt các dẫn chứng về bước phát triển đầy thuyết phục: Từ chỗ cả tỉnh chỉ có 1 nhà máy phát điện chạy bằng Diezen cấp điện cho vài khu phố của thị xã Kon Tum, đến bây giờ, điện lưới quốc gia gần như đã phủ kín các thôn, làng với 99,79% hộ dân được sử dụng điện, qua đó, giúp nâng cao nhận thức, đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Mạng lưới giao thông được Chính phủ, tỉnh đầu tư đồng bộ từ các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ đến tận các con đường thôn, xóm, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hoá trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Hệ thống trường, lớp học, cơ sở khám, chữa bệnh phát triển rộng khắp từ các vùng thuận lợi đến các xã vùng sâu, vùng xa; trình độ giáo viên, nhân viên y tế ngày càng được chuẩn hóa.

Chỉ tính riêng năm 2019, về kinh tế, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đã vượt qua mốc 3.000 tỷ đồng (đạt 3.124 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,96%, xuất khẩu đạt 210 triệu USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 41,28 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 13,62%...

Ông Nguyễn Thanh Cao cho rằng: Trong những năm qua, Tỉnh ủy đã ban hành kịp thời nhiều nghị quyết có tính đột phá, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở để các cấp chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả, từ đó, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS. 

Điển hình như Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XI về “Tiếp tục xây dựng các xã vùng đồng bào DTTS, vùng kinh tế mới khó khăn” sau này là Nghị quyết 04 (ngày 14/6/2007) của Tỉnh ủy khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn” với chủ trương các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện hỗ trợ, giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn đã góp phần giúp các địa phương phát triển, nâng cao hơn nhận thức, trình độ của người dân. Nghị quyết 02-NQ/TU (ngày 20/4/2007) của Tỉnh ủy khóa XIII về “Đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007-2010, có tính đến năm 2020”, trên cơ sở đó, tỉnh có giải pháp ưu tiên nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng các “đầu tàu” kéo các vùng lân cận cùng phát triển. Nghị quyết số 03-NQ/TU (ngày 27/7/2011) của Tỉnh uỷ khoá XIV “về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực” và Nghị quyết số 02 (ngày 30/06/2016) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum (khóa XV) về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh” là cơ sở để các cấp chính quyền triển khai nhằm khai thác và thúc đẩy các ngành nghề, thế mạnh của mỗi địa phương để tạo sức bật trong phát triển kinh tế...

Kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam là dịp để mỗi chúng ta nhìn lại trang sử vẻ vang và hành trình xây dựng quê hương, đất nước để thấy yêu quý, trân trọng hơn giá trị của độc lập, thống nhất. Nói như cựu chiến binh Trần Mạnh Long: “Đất nước thật sự thanh bình, đường sá thênh thang, kinh tế phát triển, cuộc sống ấm no, mọi thứ đều toại nguyện. Hơn bao giờ hết, chúng ta biết ơn những người đã ngã xuống để bảo vệ non sông gấm vóc, tự hào về những gì đã làm được và càng tin tưởng hơn vào những bước tiến dài trong tương lai của quê hương, đất nước”.

Thùy Hương

Chuyên mục khác