Để gia đình thực sự là “hạt nhân của xã hội”

27/06/2022 06:13

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”.
Kinh tế hộ gia đình ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Ảnh: SC

 

Lời Bác dạy đã chỉ rõ, gia đình có vị trí và vai trò rất quan trọng đối với xã hội. Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của xã hội và ngược lại.

Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, cùng với hội nhập và phát triển của khoa học và công nghệ, gia đình cũng xuất hiện những biến đổi rất phong phú, nên công tác xây dựng gia đình càng có ý nghĩa quan trọng.

Trong nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng gia đình, với nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch thực hiện công tác xây dựng gia đình.

Vì vậy, lĩnh vực này đã có bước chuyển biến tích cực, gia đình ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Kinh tế hộ gia đình ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế; tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 9,13%/năm; GRDP bình quân đầu người tăng từ 1.406 USD (năm 2015) lên 2.025 USD vào cuối năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 23,03% (năm 2016) xuống còn 6,32% đến cuối năm 2021.

Tỷ lệ gia đình văn hóa tăng hàng năm cả về số lượng và chất lượng; năm 2020, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 77,23%; tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố văn hóa đạt 74%. Chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là gia đình chính sách, hộ nghèo được thực hiện tốt.

Công tác chăm sóc giáo dục trẻ em, nhất là bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được triển khai tích cực, đã ban hành nhiều đề án, chương trình về công tác bảo vệ trẻ em; tỷ lệ trẻ em được khai sinh đạt 99%.

Tình trạng bạo lực gia đình giảm nhanh cả về số vụ và mức độ; quyền của phụ nữ và trẻ em trong mỗi gia đình ngày càng được bảo đảm; 98% số nạn nhân bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa bạo lực gia đình, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân; 98% số người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi.

Ban Chỉ đạo công tác gia đình đã được thành lập, kiện toàn ở các cấp. Đến nay, 10/10 huyện, thành phố có cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về gia đình. Việc nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác xây dựng gia đình được quan tâm triển khai thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 15 mô hình “Can thiệp, Phòng chống bạo lực gia đình” với 845 hội viên tham dự; 151 mô hình “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”; xây dựng, duy trì hoạt động có hiệu quả 74 câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc bền vững”.

Đã thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả các mô hình theo hình thức câu lạc bộ; lồng ghép nội dung giáo dục đời sống gia đình thông qua các Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…

Tuy nhiên, có thể nhận thấy, công tác xây dựng gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Đó là, một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình. Công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình nội dung chưa phong phú, đa dạng.

Tình trạng ly hôn, ly thân, “sống thử”... ngày càng nhiều. Việc cập nhật thống kê số liệu về công tác gia đình; phòng chống bạo lực gia đình chưa kịp thời. Kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn cao.

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra trong một số thôn, làng đồng bào DTTS, dù các cấp, ngành tỉnh Kon Tum đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn trên.

Để gia đình thực sự là “hạt nhân của xã hội”, trong thời gian tới, các ủy đảng, chính quyền và ngành liên quan trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng gia đình. Đổi mới, kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ làm công tác gia đình.

Hướng dẫn cho các hộ gia đình thôn Mô Pành, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông nấu bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em. Ảnh: SC

 

Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; kiến thức, kỹ năng đối diện và phòng ngừa rủi ro và những ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình. Gắn kết vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường gia đình để con người phát triển toàn diện.

Triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình an sinh xã hội, tăng cường hỗ trợ gia đình thực hiện các chức năng của gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, tạo điều kiện để gia đình chăm sóc, giáo dục trẻ em; giúp đỡ, hỗ trợ gia đình nghèo, khó khăn; đảm bảo gia đình được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản theo hướng công bằng, thuận lợi.

Thực hiện các mục tiêu, tiêu chí về gia đình gắn với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh được xác định tại Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các Chương trình mục tiêu quốc gia khác.         

Sông Côn

Chuyên mục khác