Để dòng chảy văn hóa DTTS liên tục tiếp nối

21/08/2023 13:25

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của quá trình phát triển. Để giá trị văn hóa nói chung và văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS nói riêng không bị đứt gãy, cần đánh thức tình yêu và huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của thế hệ tương lai.

Trong dòng thông tin thời sự tuần qua, một trong những sự kiện khiến tôi đặc biệt chú ý đó là Ngày hội Văn hóa tuổi trẻ các dân tộc tỉnh Kon Tum do Tỉnh đoàn tổ chức từ ngày 12-14/8. Đây là một hoạt động thiết thực, tạo ra được không gian giao lưu, học hỏi, gặp gỡ giúp những người trẻ thể hiện tình yêu, sự am hiểu, năng khiếu về văn hóa các dân tộc. Qua đó, khơi gợi niềm tự hào và góp phần giáo dục tình yêu, trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong giới trẻ.

Với hơn 300 học sinh đến từ 10 huyện, thành phố và 100 đoàn viên thanh niên đến từ khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tham gia vào nhiều nội dung như liên hoan ẩm thực truyền thống, các trò chơi dân gian, biểu diễn cồng – chiêng, đàn hát dân ca, trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc... phần nào cho thấy sức hút, sự quan tâm và tình yêu của giới trẻ đối với văn hóa dân tộc.

Việc tổ chức các hoạt động ý nghĩa góp phần giáo dục tình yêu văn hóa truyền thống trong giới trẻ. Ảnh: TH

 

Tỉnh Kon Tum có 43 dân tộc, trong đó, có 7 DTTS tại chỗ với lịch sử cư trú lâu đời và mỗi dân tộc lại có những nhóm tộc người khác nhau. Sự đa dạng về thành phần dân tộc, về các nhóm tộc người trong một dân tộc đã tạo cho mảnh đất Kon Tum có một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng và đặc sắc.

Nhận thức rõ vai trò ngày càng to lớn của văn hóa các DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội và đời sống  từ nhiều năm nay, tỉnh ta đã quan tâm, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS, nhất là di sản văn hóa “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên”. Trong đó, việc tổ chức các hoạt động gắn kết di sản văn hóa với giới trẻ, thu hút giới trẻ tham gia vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS là vấn đề luôn được các cấp, ngành và những người làm công tác văn hóa quan tâm.

 Tiêu biểu như, ngành Giáo dục đã quan tâm và vận động các em học sinh người đồng bào DTTS mặc trang phục truyền thống khi đến trường, không ít trường học vùng DTTS đã khéo léo lồng ghép việc giới thiệu bản sắc văn hóa vào các tiết học; triển khai, duy trì và phát triển các đội cồng chiêng, múa xoang cho học sinh. Qua môi trường giáo dục, cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về văn hóa truyền thống của các dân tộc, góp phần bồi đắp, nâng cao thái độ trân trọng di sản văn hoá dân tộc.

Các ngành chức năng, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình. Tổ chức đa dạng các hoạt động hỗ trợ, tạo dựng không gian, điều kiện để người dân, trong đó có giới trẻ thể hiện và phát huy được bản sắc văn hóa.

 Trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, các thế hệ người lớn tuổi cũng có những cách riêng để khơi gợi tình yêu, niềm đam mê, trao truyền di sản văn hóa của dân tộc cho thế hệ trẻ để dòng chảy văn hóa truyền thống của các DTTS liên tục được tiếp nối.

Thực tế cho thấy, đa số các hoạt động đã phát huy hiệu quả, thu hút được sự tham gia nhiệt tình của giới trẻ. Nhiều người trẻ còn xây dựng được những mô hình khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống, tích cực lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng.

Mặc dù vậy, việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa ở cộng đồng còn nhiều vấn đề trăn trở, bởi tác động của lối sống hiện đại làm cho một bộ phận bạn trẻ thờ ơ với văn hóa dân tộc, không gian diễn xướng bị thu hẹp khiến nhiều hoạt động văn hóa khó phát huy.

Việc tổ chức các hoạt động, tạo ra những sân chơi bổ ích như Ngày hội Văn hóa tuổi trẻ các dân tộc tỉnh Kon Tum chính là cách để vun đắp, nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc trong giới trẻ, góp phần để văn hóa trường tồn và phát triển.

Thiên Hương

Chuyên mục khác