Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”: ​Đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao dân trí

28/02/2018 13:00

​Qua 5 năm (2012 - 2017) triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có nhận xét, công tác xây dựng xã hội học tập có chuyển biến rõ nét, góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ văn hoá cho nhân dân địa phương.

Cuối tháng 12/2017, tại hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” toàn tỉnh, ông Nguyễn Trọng Thắng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh đã cho biết, kết quả nổi bật thời gian qua của công tác trên là, nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xoá mù chữ đều đạt chỉ tiêu đề ra như: 100% trẻ 5 tuổi đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trên địa bàn 102/102 xã, phường, thị trấn. Đối với phổ cập giáo dục tiểu học, huy động học sinh 6 tuổi học lớp 1 đạt 99,9% và số người 11 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học 94,03 %. Phổ cập giáo dục THCS có số người 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 88,4% và cuối năm 2017, toàn tỉnh có 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1; cũng tính đến cuối năm 2017, công tác xoá mù chữ đạt tỉ lệ 99,01%.

Tuyên dương các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp xuất sắc trong công tác triển khai xây dựng xã hội học tập ở cơ sở. Ảnh: T.H

 

Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho cán bộ công chức, viên chức học tập, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm 9.012/15.115 người, đạt 71,5%. Từ đây, việc đánh giá, xếp loại đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn quy định đạt gần 100%. Đối với lao động nông thôn tham gia học tập, cập nhật kiến thức, chuyển giao khoa học công nghệ sản xuất đạt 75,8% và được giáo dục kỹ năng sống đạt 83,1%; công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ học vấn trung học phổ thông hoặc tương đương và được đào tạo nghề đạt gần 70%...

Theo ông Thắng, để có những kết quả đạt được như trên, thời gian qua,  công tác sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, sở ngành và tổ chức đoàn thể được duy trì tích cực. Mặt khác ở cấp tỉnh, Sở GD&ĐT là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp tỉnh, tham mưu Ban chỉ đạo thường xuyên tổ chức kiểm tra, có văn bản nhắc nhở, đôn đốc chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo cấp huyện liên tục rà soát, bổ sung và kiện toàn kịp thời thành viên, nhằm tiến hành nhiệm vụ, kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập cho cán bộ, đảng viên, nhân dân kịp thời. Đồng thời, tập trung chỉ đạo cấp cơ sở xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng, phát triển các phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” ở thôn, làng, tổ dân phố ngày càng hiệu quả hơn.

Năm 2013 đến nay, công tác sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức hoạt động của các Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã, đang phát huy tính năng động, hiệu quả thực tế hơn về công tác xóa mù chữ, nâng cao dân trí, giáo dục nghề nghiệp ở cơ sở. Ngoài ra, ở 102 xã, phường, thị trấn đều đã xây dựng trung tâm học tập cộng đồng, nơi đây là địa chỉ cho nhân dân tham gia học tập, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ ứng dụng để áp dụng trong đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tết gia đình.

Chẳng hạn như thành phố Kon Tum là đơn vị triển khai đạt kết quả cao nhất trong công tác xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2017. Tại buổi sơ kết, ông Trần Ngọc Quý - cán bộ phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum, phụ trách công tác phổ cập giáo dục đã phát biểu: 5 năm qua, Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập của thành phố cũng luôn theo dõi có đánh giá, tham mưu chính quyền tổ chức tuyên dương tập thể, cá nhân có thành tích trong lĩnh vực này. Điển hình năm 2017, địa phương bình xét, công nhận các danh hiệu xã hội học tập ở 21 xã phường, với kết quả chấm điểm và khen thưởng phường Trần Hưng Đạo xếp loại tốt về “cộng đồng học tập”. Ban chỉ đạo địa phương còn tham mưu phối hợp tốt với 21 xã phường duy trì các kết quả về phổ cập, xóa mù chữ; phát triển lên 74 ban khuyến học, 103 chi hội khuyến học với tổng số gần 19.600 hội viên trên địa bàn.

Với những kết quả tích cực của công tác xây dựng xã hội học tập 5 năm qua, sẽ là động lực cho các đơn vị (trong đó có Sở GD&ĐT) tham mưu UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập tiếp tục có văn bản chỉ đạo rút kinh nghiệm, phát huy yếu tố tốt để đưa ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” theo các mục tiêu đề ra.

Trần Hà

Chuyên mục khác