Dạy tiếng Việt cho con em kiều bào ở Rattanakiri

05/01/2018 07:21

​Trong dịp cùng với đoàn công tác của tỉnh thăm và làm việc tại tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia), chúng tôi đã đến thăm, làm việc với Hội người Campuchia gốc Việt Nam và được giới thiệu về 2 lớp học tiếng Việt mở cho con em kiều bào, góp phần giáo dục giúp các em lưu giữ văn hóa, không quên cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Thông tin từ Ban Chấp hành Hội người Campuchia gốc Việt tỉnh Rattanakiri, trên địa bàn có khoảng 500 gia đình kiều bào với gần 1.100 khẩu đang sinh sống, làm việc. Đầu năm 2016, được sự quan tâm của lãnh đạo hai tỉnh Kon Tum và Rattanakiri, 15 trẻ em Việt Nam trong độ tuổi đến trường được tạo điều kiện học tiếng Việt. Đến năm 2017, số lượng học sinh đã tăng lên 41 em theo học tiếng Việt lớp 1 đến 4.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum trao tặng 1 tỷ đồng để xây dựng 2 phòng học cho con em người Campuchia gốc Việt ở tỉnh Rattanakiri. Ảnh: M.T

 

Ông Phạm Văn Ninh - Chủ tịch Hội người Campuchia gốc Việt Nam tỉnh Rattanakiri cho biết, lớp học ban đầu của con em kiều bào hình thành rất khó khăn, cơ sở vật chất không có. Ban Chấp hành Hội phải sử dụng mặt tiền của trụ sở Hội để làm không gian lớp học. Sau đó vận động phụ huynh đóng góp ngày công, người thì cho vài trụ sắt, vài tấm tôn lợp để gộp lại dựng thành lớp học. Bà con biết làm nghề mộc đóng cho mươi bộ bàn ghế học tập, phần còn thiếu Hội hỗ trợ thêm. Hàng ngày, các cô chú trong Hội cũng quan tâm mua nước uống, thỉnh thoảng hỗ trợ thầy giáo người Việt lau chùi, quét dọn lớp học để đón các cháu vào học tươm tất hơn.

Qua lời giới thiệu của ông Ninh, chúng tôi đã gặp thầy giáo Nguyễn Văn Nuôi đã từng công tác tại 1 trường học trên địa bàn huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum), sau đó được biệt phái sang dạy học cho các em ở tỉnh Rattanakiri. Thầy Nuôi cho biết, tháng 1/2016 được tỉnh Kon Tum cử sang mở lớp học tiếng Việt cho các em nhỏ ở đây. Ban đầu, thầy gặp không ít vất vả, gian nan khi các em ở nhiều lứa tuổi và khả năng giao tiếp tiếng Việt khác nhau.

“Những ngày đầu tiên vào lớp, 14 học sinh cứ tròn xoe đôi mắt nhìn tôi. Qua khảo sát, cũng có học sinh nói tiếng Việt chưa rành, có thể các em được bố mẹ sinh ra, nuôi dạy trong môi trường sử dụng ngôn ngữ nước bạn. Do đó, lúc bắt đầu dạy tiếng Việt lớp 1, tôi khá vất vả, bản thân phải nghiên cứu chọn những bài hát tiếng Việt, ca dao, tục ngữ ngắn gọn, dễ hiểu để đọc, giải nghĩa, giới thiệu dần cho các em về văn hóa, danh lam thắng cảnh, con người và đất nước Việt Nam. Những đợt về thăm nhà, tôi cố gắng mang sang nhiều sách vở, tranh ảnh tư liệu giới thiệu văn hóa dân tộc Việt cho các cháu nhỏ. Muốn dạy tốt cho các em, tôi cũng cố gắng học tiếng nước bạn, sau đó vừa sử dụng tiếng Việt và ngôn ngữ địa phương hướng dẫn, dạy học sinh cầm bút viết chữ, đọc chữ Việt” - thầy Nuôi nói.

Theo thầy Nuôi, quá trình dạy các cháu tập viết chữ, tập đọc và trò chuyện thường xuyên, đến nay, học sinh đều biết thông thạo tiếng Việt. Giữa năm 2017, đoàn công tác tỉnh bạn Gia Lai cũng đã ghé thăm Hội, tặng tủ sách gần 200 đầu ấn phẩm đủ thể loại truyện cổ tích, văn học Việt Nam, khoa học kỹ thuật… được học sinh đón đọc rất nhiều. Ngoài lúc đọc sách ở lớp, các em còn mượn sách về nhà đọc, giữ gìn cẩn thận để trả lại cho thầy cất vào tủ sách trưng bày tại lớp.

Em Đoàn Thị Như Ý - học sinh lớp 4 vui vẻ kể chuyện về thầy Nuôi bằng tiếng Việt: Thầy Nuôi rất thương tụi con. Mỗi tuần, con được học 3-4 tiết tiếng Việt do thầy phụ trách. Mỗi buổi học, thầy ở lại rất lâu, nhất là lớp 1, mấy em nhỏ viết chữ Việt chưa đẹp, thầy cầm tay các em nắn nót từng chữ làm mẫu. Còn ở lớp 4 của tụi con, thầy đọc thơ, hoặc tập bài hát thiếu nhi bằng tiếng Việt, giới thiệu tóm tắt truyện Thần đồng đất Việt cho mọi người nghe. Ai cũng thấy thích. Về nhà, con cũng kể lại cho ba mẹ nghe. Ba con nói quê của con ở tỉnh Tiền Giang, con cố gắng học giỏi tiếng Việt, khi có điều kiện cả nhà sẽ về thăm ông nội và chị em họ hàng.   

Thầy Nuôi chia sẻ thêm: Đa phần phụ huynh ở đây không biết viết, biết đọc tiếng Việt. Họ tin tưởng, giao con cho tôi dạy mỗi ngày. Với lương tâm nghề giáo, tôi cố gắng hết sức, tâm huyết truyền đạt cho con em kiều bào sống xa quê hương, Tổ quốc biết được chữ viết, phong tục, nguồn gốc văn hóa của người Việt. Từ đó, các em giữ gìn và không quên cội nguồn dân tộc Việt Nam của mình.

Bà Lê Thị Lệ - kiều bào ở Rattanakiri chủ động bắt chuyện với chúng tôi. Bà Lệ cho biết mình sinh ra và lớn lên ở tỉnh An Giang và đến nay đã xa quê hương tròn 35 năm. Ở tuổi 52, theo gia đình chồng người Campuchia về lập nghiệp ở tỉnh Rattanakiri, may mắn có lớp học tiếng Việt của thầy Nuôi, bà đã đón 2 cháu nội ở xa hơn 500km về sống và đưa đi học tại đây.

Bà Lệ nói: Hai đứa cháu tên Hiền và Lụa học tiếng Việt thật giỏi, để biết gốc rễ của mình là người Việt. Thầy Nuôi cũng dạy mấy đứa ngoan lắm, lễ phép chào thưa ông bà, người lớn đàng hoàng. Lúc các cháu vui đùa, nghịch ngợm quá trớn, chỉ nhắc đến không cho đi học lớp của thầy Nuôi là 2 đứa im re, khoanh tay xin lỗi và hứa sẽ nghe lời bà nội…

Quan tâm và chia sẻ cuộc sống của kiều bào xa quê hương, tại buổi gặp mặt bà con kiều bào và Ban Chấp hành Hội Người Campuchia tại tỉnh Rattanakiri, đoàn công tác tỉnh Kon Tum đã trao tặng 1 tỷ Việt Nam đồng, đầu tư xây dựng mới 2 phòng học cho con em kiều bào tại đây.

Mai Trâm  

Chuyên mục khác