Đẩy mạnh xây dựng mô hình phòng chống bạo lực gia đình ở khu dân cư

26/11/2018 17:04

​Triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, những năm qua, tỉnh Kon Tum đã tích cực chỉ đạo các địa phương, đơn vị cụ thể hóa các văn bản hành động triển khai Luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức và can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc liên quan bạo lực gia đình…

Tại hội nghị đánh giá 10 năm triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, ông Nguyễn Xuân Truyền - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đánh giá: Qua theo dõi, các sở, ngành của tỉnh và các địa phương, đơn vị đã triển khai tích cực công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến cán bộ, đảng viên, công chức viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình bằng nhiều hình thức như: tổ chức các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình qua phát động “Tháng hành động về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ”; tổ chức các hội thi vì sự tiến bộ phụ nữ và hạnh phúc gia đình; đưa các băng rôn, khẩu hiệu về dán tại các khu dân cư; cấp miễn phí sách pháp luật có nội dung về thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

Tuyên dương những tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ. Ảnh: M.T

 

Thông qua các hoạt động như trên, các đối tượng xã hội được cấp phát, nghiên cứu, học tập 38.500 đầu sách pháp luật có liên quan, 55.500 trang tài liệu tuyên truyền và tài liệu tập huấn, 840 đĩa CD, 1.000 đĩa DVD, 20 ngàn ap-phich, 35 ngàn tờ rơi, tờ gấp được in ấn và phát hành. 

Theo số liệu tổng hợp của các sở, ngành và địa phương, giai đoạn 2008-2018, toàn tỉnh có 178 kế hoạch, chương trình thường niên và ngắn hạn được ký kết phối hợp liên quan về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành triển khai; các cấp và các tổ chức đoàn thể đã đưa nội dung quy định này vào lồng ghép thực hiện với các phong trào thi đua, các cuộc vận động như phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóaˮ, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minhˮ...

Đối với các ngành khác ở tỉnh còn căn cứ tình hình thực tế và chức năng chuyên môn đã đưa văn bản Luật trên vào chương trình ngoại khóa giáo dục đời sống gia đình, vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới vào trường học; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đến cơ sở; lồng ghép tuyên truyền pháp luật vào các chương trình hành động về bình đẳng giới, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, tiêu chí giảm nghèo đa chiều và bảo trợ xã hội.

Những chương trình, kế hoạch hành động hàng năm đã góp phần đưa công tác phòng, chống bạo lực gia đình có chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh đã xây dựng được 12 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, 42 câu lạc bộ và 42 nhóm can thiệp, 52 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc bền vững có chức năng tuyên truyền, phòng ngừa bạo lực gia đình. Ở các địa phương có 648 địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh, 117 cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực thực hiện các dịch vụ y tế, áp dụng biện pháp cách ly, bảo vệ nạn nhân, 876 tổ tư vấn - hòa giải liên quan bạo lực gia đình.

Những mô hình sinh hoạt này cũng đã giúp các ngành chức năng, tổ chức Mặt trận và đoàn thể các cấp tiếp nhận thông tin 2.580 vụ bạo lực gia đình (có 2.886 lượt nạn nhân) và tiến hành can thiệp, hòa giải 1.087 vụ; qua đó góp phần giảm đáng kể những tổn hại vật chất, tinh thần cho nạn nhân, đồng thời ổn định trật tự xã hội ở khu dân cư.

Bên cạnh các kết quả đạt được, tại hội nghị đánh giá 10 năm triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các ngành chức năng tỉnh cho rằng vẫn có không ít tồn tại, khó khăn trong quá trình thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Khó khăn lớn nhất đó là hơn 52% dân số toàn tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm hơn 20%..., đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục, nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.  

Đặc biệt, tổng kết 10 năm thực thi văn bản Luật trên, tình trạng bạo lực gia đình đang có chiều hướng tăng ở những nơi không có các thiết chế truyền thông, can thiệp như câu lạc bộ gia đình, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực gia đình chủ yếu là do tư tưởng trọng nam khinh nữ, do khó khăn về điều kiện kinh tế; đối tượng gây bạo lực có hành vi, lối sống bê tha, bị ảnh hưởng thói hư, tật xấu và các tệ nạn xã hội dẫn đến hành động bạo lực. Trong khi đó, ở một số địa phương, khu dân cư còn thờ ơ với hành vi bạo lực gia đình, chưa xử lý các vụ việc bạo lực gia đình triệt để; một bộ phận nạn nhân còn chưa mạnh dạn tố giác hành vi bạo lực của thành viên trong gia đình với các đơn vị chức năng...

Theo số liệu của Sở Tư pháp, 10 năm qua, Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý án hôn nhân gia đình 4.619 vụ, trong đó vụ việc có nguyên nhân do bạo hành gia đình dẫn đến ly hôn là 1.089 vụ. Điều đáng nói là, những vụ việc về ly hôn gia đình có yếu tố bạo lực đang có chiều hướng gia tăng năm sau cao hơn năm trước.

Từ thực tế trên cho thấy, để thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các cấp, các ngành cần vào cuộc quyết liệt và đồng bộ hơn; đẩy mạnh xây dựng và duy trì hoạt động các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở khu dân cư nhằm tăng hiệu quả lồng ghép tuyên truyền, can thiệp, tiến tới giảm thiểu các tình trạng bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương cần lồng ghép, quan tâm đến công tác xây dựng gia đình văn hóa, tạo điều kiện hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế hộ để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.

Mai Trâm 

Chuyên mục khác