Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý tín dụng chính sách

01/08/2023 13:03

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai, quản lý các nghiệp vụ tín dụng, ngân hàng. Từ đó, tạo sự thuận tiện, nhanh chóng trong các hoạt động giao dịch, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng của đơn vị.

Một trong những phần mềm được NHCSXH chi nhánh tỉnh triển khai hiệu quả trong thời gian qua là phần mềm Quản lý tín dụng chính sách, hoạt động trên các thiết bị thông minh sử dụng hệ điều hành Android hoặc IOS. Phần mềm cung cấp thông tin về các phương án tín dụng chính sách xã hội, cơ sở dữ liệu cho vay, trả lãi và gốc của khách hàng, kết quả kiểm tra đối chiếu cho vay và các văn bản hướng dẫn tín dụng…

Theo đó, từ tháng 10/2021, NHCSXH chi nhánh tỉnh bắt đầu triển khai thí điểm phần mềm, sau đó tiến hành đánh giá hiệu quả và triển khai nhân rộng tại các chi nhánh trên địa bàn. Qua thời gian triển khai, phần mềm Quản lý tín dụng chính sách đã khẳng định tính ưu việt, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng quản lý hoạt động tín dụng; nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên làm công tác ủy thác về các lợi ích, xu hướng phát triển dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong các dịch vụ. Đến nay, NHCSXH chi nhánh tỉnh đã triển khai cho 1.696/1.696 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) cài đặt phần mềm, đạt tỷ lệ 100%, được đánh giá là một trong những địa phương có tỷ lệ cài đặt cao so với cả nước.

Tăng cường tập huấn, tuyên truyền về ứng dụng công nghệ trong quản lý nguồn vốn ủy thác. Ảnh: H.T

 

Ông Nguyễn Văn Chung- Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh cho biết: “Không chỉ tạo thuận lợi cho người dân cũng như các Tổ TK&VV trong các hoạt động trả lãi, gốc, gửi tiết kiệm..., phần mềm còn giúp cán bộ làm công tác quản lý thuận lợi trong điều hành, nắm bắt công việc để có những điều chỉnh kịp thời. Khi phát sinh lãi, nợ quá hạn cao hoặc các phương án tài chính không đảm bảo, chúng tôi sẽ có những chỉ đạo kịp thời để cấp địa phương, cơ sở chủ động, tránh phát sinh các trường hợp xấu”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Trang (45 tuổi, ở thôn 3, xã Đăk La, huyện Đăk Hà) hiện đang được hỗ trợ vay 2 gói tín dụng chính sách là cho vay Hỗ trợ giải quyết việc làm và Nước sạch vệ sinh môi trường. Hơn một năm nay, nhờ cài đặt phần mềm quản lý tín dụng chính sách, việc trả lãi, gốc và gửi tiết kiệm của chị thuận lợi hơn hẳn, giúp chị không mất nhiều thời gian như trước đây. Đến nay chị đã trả gần hết, tổng dư nợ 2 gói vay chỉ còn hơn 22 triệu đồng.

Chị Trang chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi đóng tiền lãi, gốc hoặc gửi tiết kiệm, tôi thường phải gặp trực tiếp cán bộ tín dụng để tính toán và xác nhận khoản tiền phải trả. Nhiều khi chưa chuẩn bị trước, tôi không có khoản tiền để xoay xở trả nợ nên rất bất tiện. Từ khi cài đặt phần mềm, các khoản phải trả đều được phần mềm tính toán và hiển thị rõ ràng, giúp tôi chủ động trong việc trả nợ và việc trả nợ cũng rất nhanh chóng và thuận lợi”.

Chị Trần Hoài Tiên-  Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn 3 (xã Đăk La, huyện Đăk Hà) cho biết: “Tất cả thông tin cần nắm bắt đều được hiển thị trên phần mềm Quản lý tín dụng chính sách từ thông tin hộ vay, khoản vay, thời hạn trả cho đến tình trạng trả nợ, nợ quá hạn; vì vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi quản lý tốt các khoản vay, báo cáo kịp thời với cấp trên. Từ khi triển khai cài đặt và sử dụng phần mềm Quản lý tín dụng chính sách, các hoạt động giao dịch, ủy thác cho vay của Tổ thuận lợi, hiệu quả hơn hẳn. Tổ của tôi hiện có 28 hội viên với tổng dư nợ gần 1,1 tỷ đồng, không có nợ xấu và nợ quá hạn”.

Bà Trần Thị Phúc- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đăk La (huyện Đăk Hà) cho biết: “Từ khi cài đặt và sử dụng phần mềm Quản lý tín dụng chính sách vào công việc quản lý tình hình vay vốn tín dụng đã giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian, công sức, chủ động hơn trong việc vận động các hội viên chuẩn bị tiền để trả đúng hạn các khoản vay, hoặc tự theo dõi hồ sơ tài chính, vay vốn để có kế hoạch tiếp tục vay vốn phát triển… Hiện chúng tôi quản lý tổng cộng 15 Tổ TK&VV, trong đó có 596 hội viên vay vốn với tổng dư nợ 22 tỷ đồng, gửi tiết kiệm của các hội viên qua phần mềm từ 62 - 63 triệu đồng/tháng, không có lãi tồn và nợ quá hạn”.

Ông Nguyễn Văn Thường- Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đăk Hà cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai phần mềm cũng gặp một số khó khăn, nhất là một số Tổ trưởng TK&VV lớn tuổi, ít tiếp xúc với công nghệ thông tin, chưa sử dụng điện thoại thông minh hoặc sử dụng chưa thành thạo. Để khắc phục, chúng tôi lập nhóm Zalo riêng, phân công cán bộ chủ động theo dõi, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sử dụng phần mềm. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm tại trụ sở Phòng giao dịch chính và tại UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đăk Hà cho các cán bộ, thành viên liên quan, qua đó ngày càng nâng cao tỷ lệ người sử dụng thành thạo phần mềm trên địa bàn”.                 

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác