Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

25/12/2018 06:57

​Nói đến công tác cải cách hành chính (CCHC), không thể không nhắc đến vai trò của công nghệ thông tin (CNTT). Thông qua hoạt động ứng dụng CNTT, bộ máy hành chính dễ dàng liên kết với nhau hơn trong thực hiện nhiệm vụ, điều hành công việc nhanh chóng, hiệu quả, chính xác và kiểm soát tốt hơn.

Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống mạng cáp quang đã phát triển đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp viễn thông VNPT, Viettel.. lần lượt đưa mạng 3G, 4G vào khai thác, tạo điều kiện và cơ hội cho nhiều người tiếp cận được các dịch vụ do Internet đem lại. Hệ thống máy tính phục vụ công việc tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đều được trang bị đầy đủ; tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức cấp tỉnh đạt 97,93%, cấp huyện đạt 77,28%, cấp xã đạt 90,88%. 100% các đơn vị đã có kết nối mạng nội bộ LAN với khoảng 106 máy chủ, trong đó cấp tỉnh 67 máy chủ, cấp huyện 39 máy chủ. Hệ thống Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được kết nối đưa vào sử dụng cho 30/30 đơn vị, địa phương và Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông.

Hiện nay, tỉnh Kon Tum đang sử dụng khoản 787 tài khoản thư điện tử công vụ của Chính phủ do Văn phòng Chính phủ cấp cho các đơn vị và lãnh đạo đơn vị. Việc sử dụng hộp thư điện tử Chính phủ trong công tác xử lý văn bản đã giúp cho các đơn vị tiết kiệm thời gian, chi phí; công việc được xử lý một cách nhanh chóng, đảm bảo tiến độ.

Do tỉnh chưa có hệ thống thư điện tử chính thức (dùng riêng) nên hầu hết CBCCVC của các đơn vị, địa phương đều sử dụng thư điện tử miễn phí như yahoo, gmail… Tuy nhiên, việc sử dụng các hộp thư trên chỉ nên dùng cho mục đích cá nhân, do không đảm bảo về bảo mật, gây mất an toàn, an ninh thông tin.

Hiện tại, 30/30 sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đang sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành eOffice có ứng dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử và triển khai kết nối liên thông 3 cấp từ cấp huyện, cấp tỉnh đến Trung ương; 100% đơn vị có trang thông tin điện tử và đã liên kết vào Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Tỉnh Kon Tum đã triển khai xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, tiến hành cung cấp 32 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại địa chỉ http://dichvucong.kontum.gov.vn; công khai tiến độ giải quyết thủ tục hành chính lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Hiện tại, ở một số sở, ban, ngành của tỉnh được Bộ chủ quản triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của đơn vị.

Họp bàn về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính. Ảnh: C.C

 

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong CCHC thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Ông A Đôi - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay, tỉnh Kon Tum vẫn chưa có Trung tâm dữ liệu của tỉnh (tạm thời hệ thống máy chủ do Bộ Thông tin và Truyền thông đầu tư đặt tại Trung tâm CNTT&TT). Trung tâm CNTT&TT chỉ được giao 3 biên chế (1 lãnh đạo, 1 kế toán, 1 kỹ sư CNTT) nên không đủ nguồn nhân lực tiếp nhận và vận hành các ứng dụng dùng chung dự kiến triển khai trong tương lai, như: phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống các cơ sở dữ liệu của tỉnh và của các đơn vị, địa phương…

Mặt khác, hệ thống hạ tầng CNTT chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Hạ tầng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của các đơn vị chưa được chú trọng; các đơn vị chủ yếu trang bị phần mềm diệt virus cho các máy tính riêng lẻ. Mạng diện rộng riêng của tỉnh (WAN) chưa được quan tâm đầu tư…,  vì vậy chưa thật sự đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho toàn bộ hệ thống mạng.

Bên cạnh đó, trình độ và thói quen ứng dụng CNTT phục vụ tra cứu thông tin, đăng ký, thực hiện các thủ tục hành chính qua môi trường mạng của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là cấp huyện, xã. Việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức; chưa xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên địa bàn tỉnh. Nguồn lực, kinh phí dành cho công tác triển khai ứng dụng và phát triển CNTT vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển.

Để thực hiện tốt hơn nữa  việc ứng dụng CNTT trong CCHC, trong thời gian tới, ông A Đôi cho rằng, tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông và CNTT bảo đảm đồng bộ, an toàn, an ninh thông tin; triển khai cài đặt, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý văn phòng điện tử và điều hành cho 102 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; thực hiện kết nối, liên thông gửi/nhận văn bản điện tử trên đường truyền Mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước qua 4 cấp từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Trung ương.

Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương cần quan tâm đầu tư trang bị máy tính, thiết bị CNTT phục vụ công việc cho CBCCVC; hoàn thiện mạng nội bộ tại các cơ quan nhà nước; tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng cho các hệ thống trong các cơ quan nhà nước; từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng CNTT, xây dựng mạng diện rộng của tỉnh (WAN) nhằm kết nối đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; tăng cường trao đổi thông tin, gửi nhận văn bản giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trên môi trường mạng thông qua việc ứng dụng chữ ký số để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và tính xác thực; xây dựng hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh và thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho CBCCVC trên địa bàn tỉnh...

                                                                                 Cao Cường

Chuyên mục khác