14/06/2020 13:04
Xác định vai trò quan trọng của KHCN, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động các tổ chức, người dân trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, thực sự đã có những kết quả đáng khích lệ trong việc nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ KHCN để từng bước thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngày 30/6/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh về tổng kết các mô hình sản xuất gắn với KHCN, nâng cao chất lượng hàng hóa và xuất khẩu. Việc thực hiện liên kết 4 nhà“Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông” khuyến khích đầu tư, thực hiện ứng dụng các thành tựu KHCN vào sản xuất hàng hóa và nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh được các doanh nghiệp và người dân đón nhận và tổ chức thực hiện rộng rãi. Có nhiều mô hình sản xuất cần nhân rộng như: Sản xuất và chế biến cà phê xuất khẩu ở Đăk Hà, rau hoa xứ lạnh ở Kon Plông, chế biến tinh bột sắn ở các huyện, xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh ở Đăk Tô, mô hình canh tác cây sâm Ngọc Linh hộ gia đình ở Tu Mơ Rông, sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở khu công nghiệp Hòa Bình, các đề tài nghiên cứu và ứng dụng KHCN trên địa bàn tỉnh do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì…
|
Cùng với đó, hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ biên tập và xuất bản ấn phẩm thông tin KHCN với số lượng 200 bản/số, 12 số/năm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và truyền bá tri thức KHCN theo yêu cầu nhiệm vụ của ngành; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh ngoài tăng cường phổ biến trên Trang thông tin điện tử, còn biên tập và xuất bản bản tin khoa học kỹ thuật và đời sống với số lượng 250 bản/4 số/năm phát hành đến UBND các xã, phường, thị trấn, các trường học trên địa bàn tỉnh, để tuyên truyền và hướng dẫn việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất và đời sống, phổ biến các dịch vụ kỹ thuật cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc các xã vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục KHCN với số lượng 2 tháng/1 chuyên mục, để tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN, đưa KHCN đến với cơ sở và người dân, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức thường xuyên Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng, qua đó khơi nguồn sự đam mê sáng tạo cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, học sinh và nhân dân trên địa bàn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động.
Song nhìn nhận một cách khách quan, những hoạt động trên còn quá ít so với yêu cầu về truyền thông KHCN để phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân hiện nay.
Hoạt động truyền thông KHCN không chỉ tập trung cung cấp thông tin về những thành tựu đạt được mà còn phải thực hiện vai trò định hướng dư luận, đưa cơ chế chính sách về KHCN đến với công chúng, góp phần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dân về vai trò của KHCN trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Từ yêu cầu đó, để đẩy mạnh truyền thông về KHCN trong thời gian tới, cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan truyền thông và các ngành liên quan để chuyển tải thông tin KHCN đến với cơ sở, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.
Quang Mạnh