Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong phát triển sâm Ngọc Linh

22/11/2022 13:04

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, thời gian qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng phục vụ phát triển và bảo vệ sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

Thuận lợi trong công tác nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) về sâm Ngọc Linh của tỉnh ta là có Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học (thuộc Bộ Khoa học và công nghệ) hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực nghiên cứu sâm Ngọc Linh đặt văn phòng tại thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) và có khu vườn giống gốc ở Tiểu khu 217 (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông).

Vườn ươm giống sâm gốc của Trung tâm Ươm tạo và hỗ trợ KHCN tại xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông). Ảnh: P.N

 

Ông Vũ Duy Dũng- Giám đốc Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã thực hiện một số đề tài nghiên cứu để chuẩn bị nền tảng công nghệ vững chắc nhằm phát triển nhanh chóng sản phẩm sâm Ngọc Linh xuyên suốt chuỗi giá trị của sản phẩm và đạt được những thành tựu đáng kể. Được nghiên cứu trong 3 năm (2017-2019), từ đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ thị phân tử phục vụ giám định, khai thác và phát triển sâm Ngọc Linh”, Trung tâm đã xây dựng được bộ chỉ thị phân tử ADN đặc hiệu để phân biệt sâm Ngọc Linh với các loài sâm khác, cũng như để phân biệt các loài sâm với nhau. Đặc biệt, Trung tâm đã đăng ký được 5 giải pháp hữu ích “Quy trình kiểm định sâm Ngọc Linh và cặp mồi dùng để kiểm định sâm Ngọc Linh” và “Quy trình kiểm định sâm Lai Châu và cặp mồi dùng để kiểm định sâm Lai Châu” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp các bằng bảo hộ độc quyền. Các kết quả nghiên cứu này đã góp phần từng bước ngặn chặn nạn sâm giả lưu thông trên thị trường hiện nay. Hay như từ đề tài “Nghiên cứu một số giải pháp khoa học nhằm nâng cao năng suất và chất lượng hạt giống sâm Ngọc Linh tại Kon Tum”, Trung tâm đã xác định được đặc điểm sinh học quá trình sinh sản hữu tính cây sâm Ngọc Linh; xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở hạt giống và cây giống sâm Ngọc Linh gieo từ hạt, quy trình nâng cao năng suất và chất lượng hạt giống sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, Trung tâm còn đăng ký bảo hộ 1 giải pháp hữu ích “Quy trình gieo hạt sâm Ngọc Linh” và được cấp Bằng độc quyền số 2661 ngày 7/6/2021; đồng thời đang ươm tạo được 1 vạn cây tại vườn giống gốc ở Tiểu khu 217 (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông).

Vườn sâm phục vụ dự án nghiên cứu của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: P.N 

 

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong số 10 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam đã phê duyệt, có 5 nhiệm vụ triển khai trực tiếp trên địa bàn tỉnh Kon Tum với tổng kinh phí thực hiện là 199,645 tỷ đồng (kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học là 49,805 tỷ đồng, kinh phí ngoài ngân sách là 149,840 tỷ đồng), ngoài ra, còn có 2 nhiệm vụ khác triển khai trên địa bàn cả hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.

Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ tại tỉnh ta, tỉnh ta cũng đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu KHCN liên quan đến sâm Ngọc Linh và từng bước ứng dụng vào thực tiễn sản xuất sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống, kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh; xây dựng vườn giống phục vụ công tác bảo tồn sâm Ngọc Linh; xây dựng tiêu chuẩn cây giống sâm Ngọc Linh. Các kết quả nghiên cứu đã bàn giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy trình tạm thời kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn, ứng dụng trong thực tiễn sản xuất sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tiến hành nghiên cứu khảo sát thành phần hóa học, xây dựng quy trình định lượng saponin trên thân, lá sâm Ngọc Linh. Qua nghiên cứu đã phân lập và xác định cấu trúc của 30 hợp chất, trong đó 6 ginsenoside và 10 hợp chất thuộc các nhóm chất phenol, terpenoid, lần đầu tiên được phân lập trên bộ phận thân, lá. Kết quả, đề tài có giá trị khoa học, khẳng định tính chất, chất lượng phần thân, lá sâm Ngọc Linh; là cơ sở khoa học để chuyển giao cho các cơ quan quản lý, tổ chức nghiên cứu và các doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất, nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm từ thân, lá sâm Ngọc Linh.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, một nghiên cứu có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong công tác phòng trừ sâu bệnh hại để giảm thiểu thiệt hại và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm sâm Ngọc Linh là đề tài “biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây sâm Ngọc Linh”. Kết quả nghiên cứu xác định thành phần sâu, bệnh hại; xác định được các biện pháp và sản phẩm sinh học có hiệu lực cao để nâng cao tỷ lệ nảy mầm và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh trên vườn ươm, vườn sản xuất. Qua đó, đã áp dụng quy trình kỹ thuật phòng trừ tổng hợp đạt hiệu quả phòng trừ sâu, bệnh hại đạt >75% và được nhiều doanh nghiệp, người trồng sâm ứng dụng để bảo vệ, phát triển diện tích sâm Ngọc Linh.

Với việc đẩy mạnh nghiên cứu KHCN và chuyển giao ứng dụng KHCN vào phát triển diện tích sâm Ngọc Linh , quản lý chất lượng giống, phòng trừ sâu bệnh... sẽ giúp cho tỉnh khai thác thế mạnh trong phát triển “Quốc bảo”. Điều này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, về khoa học mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác