31/10/2019 13:04
Triển khai thực hiện cải cách TTHC, UBND tỉnh đề ra phương châm hành động là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.
Công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả tích cực, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (chỉ số thành phần của SIPAS) ở tỉnh được xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố.
Kết quả trên phản ánh những nỗ lực của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra công tác kiểm soát TTHC của Văn phòng Chính phủ và kết quả giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC chưa như mong đợi.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh có Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 4/10/2019 về việc “Chấn chỉnh công tác kiểm soát thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.
Tại Chỉ thị này, UBND tỉnh chỉ rõ các khuyết điểm như: Người đứng đầu một số đơn vị, địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC dẫn đến việc chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt, một số nội dung của công tác này tại một số cơ quan, đơn vị thực hiện chưa đúng quy định; việc tham mưu UBND tỉnh công bố TTHC vẫn còn chậm, chưa đầy đủ, kịp thời; một số đơn vị còn tiếp nhận hồ sơ theo quy định cũ; trong quá trình giải quyết TTHC của một số cơ quan, đơn vị còn có tình trạng thu thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định; chưa thực hiện nghiêm quy định về gửi thư xin lỗi cho tổ chức, cá nhân khi giải quyết hồ sơ TTHC sai sót, trễ hạn…
|
Để chấn chỉnh, khắc phục những khuyết điểm nêu trên, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách TTHC nói riêng trên phạm vi toàn tỉnh, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong cải cách TTHC...
Các đơn vị, địa phương được kiểm tra triển khai thực hiện ngay các biện pháp khắc phục những khuyết điểm, hạn chế theo kết quả kiểm tra của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 7228/VPCP-KSTT ngày 14/8/2019 để đảm bảo được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; tập trung chỉ đạo rà soát, trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ và công bố TTHC theo đúng thủ tục hành chính đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn của cơ quan nhà nước cấp trên, được các bộ, cơ quan ngang bộ công bố theo quy định; khắc phục triệt để tình trạng trình phê duyệt danh mục thủ tục hành chính chậm theo quy định, thủ tục hành chính không có trong quy định của Trung ương và quy định thêm hồ sơ, giấy tờ trong giải quyết thủ tục hành chính.
Các đơn vị, địa phương thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ TTHC theo đúng quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ và báo cáo kết quả giải quyết TTHC kịp thời, chính xác; khắc phục tình trạng giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC trễ hạn, trả lại hồ sơ, nhất là các thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp, trường hợp trễ hạn do nguyên nhân chủ quan, phải chấn chỉnh, khắc phục kịp thời; thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi theo quy định; thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện, xã; tiếp tục rà soát, trình phê duyệt danh mục TTHC đưa ra giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh theo đúng quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai kiện toàn, xây dựng và bố trí nguồn lực đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ tại bộ phận một cửa cấp huyện, xã theo đúng qui định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP; phấn đấu trong năm 2019 có ít nhất 2 bộ phận một cửa cấp huyện được đầu tư và đưa vào hoạt động theo mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra tình hình giải quyết TTHC của các đơn vị, địa phương thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý để kịp thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời báo cáo, công khai kết quả xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm liên quan đến giải quyết TTHC.
UBND tỉnh cũng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh khẩn trương hoàn thành việc xây dựng quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC do ngành quản lý thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, cấp xã, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt theo quy định; thủ trưởng các sở, ban, ngành chịu trách nhiệm thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực do cơ quan mình quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến nhiệm vụ giải quyết TTHC của tỉnh, cấp huyện, cấp xã; UBND cấp huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến giải quyết TTHC cho cán bộ, công chức cấp xã trên địa phương mình...
Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính là yêu cầu, là trách nhiệm đặt ra đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị để góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra từ đầu năm.
Đào Nguyên