Đẩy mạnh công tác thu nợ bảo hiểm

19/10/2019 06:06

Trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh tuy có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn diễn ra tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ bảo hiểm và quyền lợi của người lao động.

Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội tỉnh, trong những năm gần đây, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN hàng năm tăng; số thu của các loại hình bảo hiểm luôn đạt và vượt kế hoạch được giao; số nợ BHXH, BHYT, BHTN giảm dần và thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Các doanh nghiệp, người sử dụng lao động ngày càng quan tâm, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm cho người lao động. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn một bộ phận chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động chưa chú trọng hoặc cố tình chậm, chây ỳ trong việc đóng bảo hiểm cho người lao động.

Tính đến hết tháng 9, toàn tỉnh có 337 đơn vị có số nợ bảo hiểm từ 1 tháng trở lên với tổng số tiền nợ là 19,957 tỷ đồng; trong đó có 25 đơn vị thuộc diện khó thu với tổng số tiền nợ là 1,538 tỷ đồng. Điển hình như một số đơn vị: Công ty TNHH MTV Minh Thi Kon Tum nợ 51 tháng với số tiền là 217 triệu đồng, Công ty cổ phần Thủy điện Hồng Phát Đăk Mek nợ 38 tháng với số tiền là 157 triệu đồng, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng số 1 Kon Tum nợ 57 tháng với số tiền là 175,8 triệu đồng, Công ty TNHH Xây dựng Đăk Bla nợ 42 tháng với số tiền là 137 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Kỳ Vỹ nợ 33 tháng với số tiền là 102 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Khoáng sản Hoàng Anh Gia Lai - Kon Tum nợ 54 tháng với số tiền là 106 triệu đồng.

Việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hiểm giúp đảm bảo quyền lợi của người lao động. Ảnh: TH

 

Nguyên nhân dẫn đến việc nợ đọng bảo hiểm do số lượng doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ khá nhiều, hoạt động sản xuất, kinh doanh không thực sự ổn định, bền vững, dẫn đến nguồn thu không đảm bảo; thậm chí có những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động, vì vậy việc nợ lương và nợ BHXH, BHYT của các doanh nghiệp này kéo dài. Mặt khác, thời gian gần đây, ngành sản xuất kinh doanh sản phẩm cà phê, cao su đang gặp nhiều khó khăn nên việc chấp hành đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đôi lúc chưa kịp thời. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý thu, khai thác và thu nợ quá mỏng nên việc đến trực tiếp các đơn vị để đốc thu còn hạn chế.

Thêm vào đó, người lao động hiểu biết các chính sách, pháp luật về BHXH còn chưa đầy đủ nên ít đấu tranh khi chủ sử dụng lao động vi phạm luật về BHXH. Một số bộ phận người lao động do chưa nhận thức được hết tính ưu việt của chính sách BHXH nên chỉ quan tâm đến nguồn thu nhập hiện tại được hưởng và không muốn trích một phần thu nhập để đóng bảo hiểm và sẵn sàng thỏa hiệp với chủ sử dụng lao động để không tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định…

Để đảm bảo chỉ tiêu thu và góp phần đảm bảo quyền lợi của người lao động, từ nay đến cuối năm 2019, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, các giải pháp được tập trung thực hiện là tiếp tục đôn đốc, thu hồi nợ đọng; tăng cường thanh tra chuyên ngành về việc thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm đối với các đơn vị còn nợ đọng; cương quyết xử lý vi phạm đối với các đơn vị trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ cương quyết chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền đề nghị điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm về đóng BHXH, BHYT, BHTN...

 Ngoài những biện pháp hành chính, để doanh nghiệp và người lao động tự nguyện, tự giác tham gia đóng bảo hiểm, ngành Bảo hiểm xã hội cũng quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách về bảo hiểm cho người lao động và chủ sử dụng lao động để họ hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN...

Thiên Hương

Chuyên mục khác