Đẩy mạnh công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em

17/07/2018 13:18

​Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum về thực hiện Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện (PTTTTD), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đánh giá cao việc chọn Kon Tum triển khai thực hiện Dự án, đồng thời nhấn mạnh: “Kon Tum cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em…”.

Dự án “PTTTTD tỉnh Kon Tum” giai đoạn 2017-2021 là dự án kế tục giai đoạn 3 của các tổ chức Liên hợp quốc do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tài trợ từ nguồn viện trợ không hoàn lại (giai đoạn 1 từ năm 2006-2011 - Dự án Kon Tum Liên hợp quốc, giai đoạn 2 từ năm 2012-2016 - Dự án Bạn hữu trẻ em) dành cho lứa tuổi từ 0-8 tuổi. Dự án được triển khai tại 9 xã thuộc 3 huyện trên địa bàn tỉnh gồm: Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy với tổng kinh phí dự kiến 3.600.584 USD (vốn ODA 3.328.350 USD, vốn đối ứng 272.504 USD).

Đồng chí Tòng Thị Phóng thăm hỏi các hộ dân ở thôn Mô Pành. Ảnh: T.Q

 

Mục tiêu của Dự án đến năm 2021 và những năm tiếp theo là hỗ trợ đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền sống còn, phát triển, giáo dục và được bảo vệ của trẻ em tỉnh Kon Tum, bao gồm tất cả trẻ em là các nhóm đối tượng hướng tới của Dự án và thành viên gia đình các em, đặc biệt những người trong các nhóm dễ bị tổn thương thông qua việc sử dụng các dịch vụ PTTTTD.

Việc chọn Kon Tum để triển khai thí điểm dự án đã thể hiện được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các tổ chức của Liên hợp quốc, đặc biệt là Unicef đối với tỉnh Kon Tum. Bởi so với 63 tỉnh thành trên cả nước, Kon Tum là một trong những tỉnh nghèo với trên 31 nghìn trẻ em đang sinh sống trong các hộ gia đình nghèo và gần 6 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trong những năm qua, từ nguồn vốn lồng ghép hỗ trợ của Nhà nước và các chương trình, dự án, công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em của tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả: 47,05% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; hơn 30 nghìn lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được can thiệp, trợ giúp; có 244 trẻ em được các hộ gia đình nhận chăm sóc thay thế nhận nuôi; 10/10 huyện, thành phố có Ban Điều hành bảo vệ trẻ em cấp huyện; 42 xã, phường, thị trấn thành lập được Ban Bảo vệ trẻ em cấp xã; xây dựng và duy trì 450 ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 42 xã có hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, 3 điểm tham vấn cộng đồng, 30 câu lạc bộ bảo vệ trẻ em và nhóm trẻ nòng cốt; 102/102 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và giữ vững, nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 99% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế…

Tuy nhiên, theo đánh giá của tỉnh Kon Tum, tình hình thực hiện chính sách pháp luật và PTTTTD trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn: nhiều trường học còn thiếu phòng học, nhiều điểm trường lẻ thiếu nguồn nước và nhà vệ sinh; đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn nên nhận thức và sự quan tâm đến việc học tập của con em chưa cao, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước hoặc thậm chí nhiều nơi có bậc phụ huynh còn có tư tưởng khoán trắng việc học tập của con em cho nhà trường…

Bên cạnh đó, vấn đề an ninh lương thực hộ gia đình ở vùng khó khăn chưa đảm bảo; kiến thức, thực hành dinh dưỡng chưa hợp lý, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; mạng lưới cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dinh dưỡng hàng năm luôn có sự thay đổi; nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho chương trình dinh dưỡng còn hạn chế; công tác tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ cho nhóm cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ chưa được thường xuyên, liên tục…

Qua khảo sát tại xã Đăk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông) - 1 trong 9 xã của tỉnh được chọn triển khai thực hiện Dự án cho thấy, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, địa phương này cũng còn gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Ông Lâm Quang Huy - Chủ tịch xã Đăk Rơ Ông cho hay, toàn xã có 1.924 trẻ em từ 0 đến dưới 18 tuổi, chiếm 51,8% dân số. Đến nay, nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội từng bước nâng cao; trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng để tự chăm sóc và bảo vệ mình. Hiện, toàn xã có 30% trẻ dưới 3 tuổi đi học nhà trẻ, 95% trẻ em từ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo, 100% trẻ em 6 tuổi vào lớp 1, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, tỷ lệ trẻ em tiêm chủng đầy đủ đạt 46,6%...

Tuy nhiên, hiện nay, Đăk Rơ Ông còn nhiều điều đáng trăn trở đó là trẻ em sống trong hộ nghèo chiếm tới 23,4%, hộ cận nghèo chiếm 0,75% và có đến 2,1% trẻ em thường vắng học theo mùa vụ...

Ông Huy thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân của những hạn chế trên là do công  tác tuyên truyền bảo vệ trẻ em chưa đi vào chiều sâu, dẫn đến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt vẫn còn xảy ra; kỹ năng tham vấn còn hạn chế; các bậc phụ huynh còn xao nhãng đối với con cái, không tạo điều kiện cho việc học hành của con em...

Qua khảo sát 30 hộ gia đình có trẻ em từ 0-8 tuổi trên địa bàn xã Đăk Rơ Ông, tất cả các bậc cha mẹ đều mong muốn được tham gia các lớp tập huấn trang bị kiến thức về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; đề nghị các cấp cần quan tâm nhiều hơn đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đầu tư xây dựng nhà giữ trẻ (0-3 tuổi), xây dựng khu vui chơi cho trẻ em...

Chị Y Dương (28 tuổi) ở thôn Mô Pành (xã Đăk Rơ Ông) cho biết, do điều kiện, hoàn cảnh và phong tục tập quán nên sau khi sinh con được thời gian ngắn, chị đã phải địu con lên rẫy. Với chị, dù biết làm như vậy sẽ không chăm sóc cho con được nhưng vì công việc và vì không có ai trông nom trẻ nên đành phải chấp nhận. Vì vậy, chị Y Dương mong muốn trên địa bàn thôn sớm xây dựng được 1 nhà giữ trẻ để việc hỗ trợ chăm sóc trẻ em được đảm bảo hơn.

Còn chị Y Trung (ở thôn Mô Pành) thì mong muốn làm thế nào để có thể giảm được tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn. Chị đề xuất các cấp cần quan tâm hơn đến đội ngũ cộng tác viên y tế, dinh dưỡng để đội ngũ này kịp thời hỗ trợ bà con kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Năm 2018, dự kiến tổng kinh phí Unicef tài trợ triển khai Dự án trên địa bàn Kon Tum là 790.036 USD. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển các dịch vụ liên quan tới bảo vệ trẻ em đạt chất lượng ở địa bàn dự án; củng cố các dịch vụ liên quan tới giáo dục phù hợp và có tính đáp ứng tại địa bàn; nâng cao năng lực cán bộ thuộc hệ thống bảo vệ trẻ em ở địa phương; nâng cao năng lực của hệ thống y tế và các bên tham gia trong cung cấp các dịch vụ PTTTTD về y tế, dinh dưỡng ở cộng đồng và hộ gia đình trên địa bàn dự án; hỗ trợ cho các thực hành mới PTTTTD lành mạnh trong cộng đồng tại địa bàn dự án...

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác