Đẩy mạnh công tác dân tộc trong tình hình mới

17/10/2022 13:04

Với đặc điểm của một tỉnh miền núi, biên giới với trên 53% dân số là đồng bào DTTS, tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn và hộ nghèo còn cao, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum luôn quan tâm triển khai có hiệu quả công tác dân tộc trên địa bàn.

Ngay từ những ngày đầu thành lập lại tỉnh (tháng 8/1991), Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã có nhiều chủ trương, nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Trong đó, nổi bật là Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 25/5/1996 của Tỉnh ủy khóa XI; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 19/8/2016 của Tỉnh ủy khóa XV về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới. Các Nghị quyết đã mang lại nhiều kết quả rất quan trọng và tích cực.

Thực hiện Quyết định số 449/QĐ-TTg, ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ "về phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020", UBND tỉnh Kon Tum đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 1285/KH-UBND ngày 29/5/2014 và Kế hoạch số 2426/KH-UBND ngày 7/9/2017 để triển khai thực hiện gắn với việc triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2013-2015 và Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020.

Với sự tích cực của các cấp, các ngành và sự nỗ lực, vươn lên của đồng bào DTTS, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả quan trọng.

Trong đó, các dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng được đầu tư hiệu quả. Mạng lưới giao thông nông thôn, thủy lợi, điện sinh hoạt, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sinh hoạt từng bước đồng bộ, tạo nền tảng cho phát triển.

Người dân thôn Liêm Răng, xã Đăk Choong (huyện Đăk Glei) thu hoạch cà phê xứ lạnh. Ảnh: S.C

 

Công tác phát triển đội ngũ cán bộ DTTS được quan tâm; toàn tỉnh có 3.592 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, chiếm 20,42% tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

Đến hết năm 2021, tỷ lệ trẻ em DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non đạt 89,3%; tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 97,7%, bậc trung học cơ sở đạt 94,7%, bậc trung học phổ thông đạt 66,9%; số sinh viên DTTS (đại học, cao đẳng)/vạn dân đạt 75 sinh viên/vạn dân; số người DTTS trong độ tuổi lao động được cung cấp thông tin thị trường đạt 40,1%.

Toàn tỉnh có 10 cơ sở giáo dục phổ thông dân tộc nội trú, 51 trường phổ thông dân tộc bán trú, 100% cán bộ quản lý đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên; 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên; 100% nhân viên cấp dưỡng đảm bảo sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ.

Về chăm sóc sức khỏe, với mạng lưới trạm y tế phủ kín các xã, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi DTTS giảm còn 35,5‰; tuổi thọ bình quân của các DTTS đạt 67; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em DTTS dưới 5 tuổi giảm còn 36,1%;

Đến nay, đã có 1.333.288 lượt người DTTS sống vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được hỗ trợ đóng, cấp thẻ BHYT; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,60%; thực hiện cải thiện nhà ở cho 2.037 hộ nghèo; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn là đồng bào DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85,9%.

Về văn hóa, đã hỗ trợ sửa chữa, tôn tạo, xây dựng 446 nhà rông truyền thống ở các làng đồng bào DTTS tại chỗ. Đẩy mạnh bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng; phục dựng lễ hội, nghề truyền thống.

Đến nay đã hỗ trợ sửa chữa, tôn tạo, xây dựng 446 nhà rông truyền thống ở các làng đồng bào DTTS tại chỗ. Ảnh: SC

 

Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội tại vùng DTTS và miền núi đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giai đoạn 2010-2015 giảm 4,11%/năm; giai đoạn 2015-2021 giảm 6,78%/năm. 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cần được khắc phục trong thời gian tới.

Đó là đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tuy giảm qua các năm nhưng chưa thật sự bền vững. Chất lượng giáo dục học sinh DTTS còn khoảng cách so với chất lượng giáo dục chung của học sinh toàn tỉnh.

Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT vẫn còn thấp; nhất là khi thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước (ở 22 xã khu vực II, khu vực III có thay đổi khu vực theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ); một bộ phận còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa phát huy tính chủ động để vươn lên thoát nghèo.

Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư trung tâm xã, cụm xã, công trình hạ tầng thiết yếu ở vùng DTTS, vùng biên giới và vùng bị thiệt hại do thiên tai”, đưa các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, cần xác định triển khai hiệu quả công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược, là trách nhiệm thường xuyên và quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và toàn xã hội.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1409/QĐ-TTg ngày 15/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020 của Quốc hội, và các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS.

Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách dân tộc, nhất là hỗ trợ định canh, định cư, đất ở, đất sản xuất, nhà ở đối với DTTS và hộ nghèo; tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư trung tâm xã, cụm xã, công trình hạ tầng thiết yếu ở vùng DTTS, đưa các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững, góp phần thực hiện tốt Chiến lược công tác Dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.  

Sông Côn

Chuyên mục khác