Dạy học bằng cả yêu thương

13/11/2018 07:01

​Với tâm niệm dạy học bằng tất cả yêu thương, các cô giáo tại điểm trường Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh (thuộc Trường Tiểu học Quang Trung, thành phố Kon Tum) vừa dạy chữ, vừa ân cần chăm sóc cho các em học sinh khuyết tật như chính những đứa con của mình.

Lớp học chỉ có 8 học sinh nhưng cô giáo Phạm Thị Tâm quay như chong chóng. Vừa dỗ em này chú tâm vào học, cô đã phải quay sang đỡ em khác đang nằm dài trên ghế, rồi lại dùng tay ra hiệu cho một em bị khiếm thính tập trung làm bài. Ổn định được vài phút, cô Tâm lại vội ra ngoài, dỗ dành, dẫn một em khác (tự ý ra chơi trong giờ học) vô lớp. Hết em này đến em khác, vừa dỗ vừa dạy, cô Tâm cứ quần quật.

“Mỗi giờ phải tiêu tốn năng lượng gấp 3-4 lần so với dạy học bình thường, nhưng chúng tôi quen rồi nên cũng không còn cảm thấy vất vả” - cô Tâm cười hiền.

 Tại điểm trường Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh, các em học sinh đa phần bị khuyết tật ngôn ngữ, khuyết tật vận động, thiểu năng trí tuệ. Vì vậy, bên cạnh việc không tập trung học tập, nhiều lúc, các em còn không ý thức được hành động trong sinh hoạt thường ngày của mình nên càng khiến giáo viên vất vả hơn.

Các cô giáo kiên trì, nhẫn nại giúp các cháu tiếp thu kiến thức

 

Cô giáo Lương Thị Hồng Phượng chia sẻ: Nhiều lúc đang dạy học, có học sinh quay sang đánh bạn hoặc chạy ra sân nhảy nhót, leo trèo… vì không kiểm soát được hành vi bản thân (do bệnh tật). Gặp những tình huống như thế, thay vì tức giận, chúng tôi phải thật bình tĩnh để xử lý, dỗ dành các em, tránh làm tổn thương tâm lý các em.

Cô Phượng cho biết thêm: Với đặc thù giảng dạy học sinh khuyết tật nhưng lại chưa có lớp chuyên biệt nên các cô giáo phải dạy “cá thể hóa”. Giáo án được thực hiện theo kế hoạch cá nhân. Với các em khiếm thính thì dạy bằng ký hiệu. Với em khiếm thị thì dạy bằng chữ nổi…

Nhiều cô giáo giảng dạy lâu năm tại đây cho rằng phải thật kiên trì và nhẫn nại thì mới có thể làm tốt công tác giảng dạy tại điểm trường đặc thù này. Nhiều học sinh tiếp thu nhanh nhưng lại rất nhanh quên. Có những bài khó, các cô giáo phải vừa dạy vừa đưa ra nhiều ví dụ minh họa để giúp các em hiểu bài.

Vừa dạy học, vừa chăm lo cho các em học sinh nên các cô giáo phải trau dồi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để nắm bắt và thấu hiểu tâm lý các em. “Nếu các em thể hiện ý mà mình không hiểu, các em rất dễ nổi cáu và mặc cảm. Có hiểu được các em muốn nói gì, làm gì thì mình mới có thể chia sẻ và có hướng giúp đỡ” - cô Phượng chia sẻ.

Tiếng kẻng báo hiệu giờ ra chơi vang lên, nhiều em học sinh hồn nhiên chạy đến quấn lấy cô giáo không chịu rời. Các bạn nhỏ tranh giành cô để khoe: “Nay em có đồ mới đẹp không cô”, “Cô ơi, cô có thể nhận em làm con không”; “Cô ơi, cô cột tóc cho em với”…

Các cô giáo giang rộng vòng tay ôm các bạn nhỏ vào lòng. Có cái cặp tóc mới hay cây kẹo, ít thức ăn ngon, các cô lại mang ra cho các em…

 “Nhiều em mồ côi, thiếu thốn tình cảm gia đình nên xem mình như mẹ vậy. Thương các em nên mình cố gắng bù đắp, sẻ chia” - cô Tâm rưng rưng kể.

Có lẽ vì tình cảm của các cô giáo dành cho học trò mà bất kể những ngày mưa to gió lớn, các em học sinh đều đến trường đầy đủ. 

Khi được hỏi về ngày tết dành cho thầy cô giáo 20/11 nơi đây, ánh mắt cô Tâm ánh lên niềm vui và hạnh phúc: Tết thầy cô giáo nơi đây đặc biệt lắm. Năm nào cũng vậy, các em học sinh thường bí mật rủ nhau chạy đi hái hoa cúc dại, dã quỳ để cắm vào bình tặng cô giáo. Nhìn những bình hoa các em cắm tuy chưa được gọn ghẽ nhưng trong lòng các cô giáo luôn dâng lên một niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến… Bấy nhiêu đó cũng đủ khiến các cô giáo dặn lòng mình phải yêu thương hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa để lo cho các em.

Và cũng bởi tình yêu ấy mà khi được chuyển vào điểm trường chính, thuận lợi hơn nhưng nhiều cô nhất quyết xin ở lại. “Ngày nào không gặp các em là nhớ lắm! Các em ngây thơ, hồn nhiên, khiến mình thương không nỡ rời”- cô Tâm bộc bạch.

Bài, ảnh: Hoài Tiến

Chuyên mục khác