Dạy bơi cho trẻ em để phòng, chống đuối nước

19/09/2020 13:01

Theo thống kê của UBND các huyện, thành phố, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh xảy ra hơn 45 vụ tai nạn đuối nước, làm chết hơn 50 trẻ em. Nhằm hạn chế tình trạng trẻ em đuối nước, thời gian qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai chương trình bơi an toàn để phòng chống đuối nước ở trẻ em.

Nguyên nhân dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua chủ yếu do thiếu sự giám sát, chủ quan của bố mẹ, để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ. Bên cạnh đó, môi trường sống xung quanh cũng luôn tiềm ẩn yếu tố nguy cơ tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, bể nước, giếng nước... không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao, đặc biệt là một số công trình thi công đập thuỷ lợi, ao, hồ trữ nước nhưng không có rào chắn và có biển báo nguy hiểm cũng là những nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước. Một phần là do các em không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng bảo đảm an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối.

Trước thực trạng đó, những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng chính quyền các địa phương triển khai nhiều biện pháp như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác thông tin, truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phổ cập bơi cho trẻ em; triển khai các hoạt động phòng chống đuối nước ở trẻ em, đảm bảo thực hiện các quy định an toàn trong môi trường nước, quy định an toàn khi tham gia giao thông đường thủy; xây dựng thí điểm, đánh giá và nhân rộng mô hình dạy bơi tốt cho các địa phương trên địa bàn các huyện, thành phố.

Huấn luyện viên hướng dẫn trẻ kỹ năng bơi an toàn. Ảnh: C.C

 

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch còn phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác đạo tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy bơi, tổ chức dạy bơi cho học sinh; tăng cường công tác xã hội hóa, phối hợp với tổ chức xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động bơi, lặn và dạy bơi trong trường học nhằm phòng chống đuối nước ở trẻ em. Các trường học trên địa bàn tỉnh lồng ghép vào các tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt Đoàn, Đội, các tiết học giáo dục công dân, tin học để tuyên truyền những hình ảnh, bài viết về nguyên nhân, hậu quả của đuối nước và hướng dẫn các em kỹ năng phòng, tránh.

Ông Giáp Văn Khanh - Trưởng Phòng Quản lý TDTT (Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch) cho biết, chỉ tính riêng năm 2019, đã tổ chức 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ dạy bơi cho 267 cán bộ, viên chức, giáo viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên về chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước ở trẻ em. Tổ chức 250 buổi tuyên truyền về kỹ năng phòng chống đuối nước cho gần 20.000 lượt đoàn viên, thanh niên và học sinh; xuất bản 6.500 tờ gấp, 120 đĩa CD tuyên truyền về phòng chống đuối nước; triển khai mô hình giáo dục kỹ năng sống, trong đó lồng ghép nội dung phòng chống đuối nước, thu hút 2.500 thiếu nhi tham gia; truyền đạt kiến thức bơi an toàn, kỹ năng phòng chống đuối nước tại 128 trường tiểu học và 111 trường THCS trên địa bàn tỉnh, thu hút gần 36.000 lượt học sinh tham gia; tổ chức 1 giải bơi phòng chống đuối nước cho học sinh với 181 em tham dự.

Em Nguyễn Văn Hiếu, học sinh lớp 5 một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Kon Tum chia sẻ: Đều đặn một tuần 3 buổi, em được bố mẹ chở lên một bể bơi trên đường Trần Phú để học bơi. Theo học môn này gần 2 năm, em nhận thấy sức khỏe tốt hơn, tinh thần, đầu óc luôn sảng khoái, việc học tập vì thế cũng tốt hơn trước khi học bơi rất nhiều.

Chị Trần Nguyễn Phương Thảo (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) cho hay: Tôi có cháu gái năm nay học lớp 4. Mỗi tuần 3 lần, tôi đưa cháu đi học bơi. Cháu học bơi hơn một năm rồi và rất thích học môn này. Qua theo dõi, tôi nhận thấy sức khỏe của cháu tốt hơn, tinh thần phấn chấn hẳn lên so với trước đây. Học bơi cũng là một phương pháp hữu ích để phòng chống đuối nước cho con em của mỗi gia đình.   

Để phòng tránh và hạn chế tai nạn đuối nước cho trẻ em, trong thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về phòng chống đuối nước ở trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em; cung cấp thông tin kịp thời, cảnh báo những địa điểm khu vực có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn đuối nước; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình nhằm thực hiện tốt công tác quản lý trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ trong trường học, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, mỗi bậc phụ huynh, mỗi gia đình cần nâng cao nhận thức trong việc phòng tránh đuối nước cho trẻ em; chủ động rèn luyện cho trẻ các kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước; xây dựng môi trường an toàn cho trẻ. 

Cao Cường

Chuyên mục khác