Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS

29/11/2024 06:02

Thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 4 “về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”, thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 (viết tắt là Chương trình), các địa phương trong tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn tỉnh.

Trong giai đoạn 2022-2024, thực hiện Chương trình, các địa phương trong tỉnh xây mới, nâng cấp sửa chữa và duy tu bảo dưỡng 807 công trình cơ sở hạ tầng các loại tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh, với tổng kinh phí đầu tư 686,963 tỷ đồng.

Nguồn lực thực hiện Chương trình chủ yếu hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, đồng thời địa phương cũng chủ động bố trí ngân sách đối ứng đảm bảo theo tỷ lệ quy định. Việc phân bổ nguồn lực thực hiện Chương trình là phù hợp với điều kiện thực tế và theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn theo quy định hiện hành.

Đường từ xã Đăk Ruồng đi thôn 8, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy được mở rộng. Ảnh: T.V.P

 

Trong quá trình thực hiện Chương trình, công tác kiểm tra, giám sát được các cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp và tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình cho cả giai đoạn 5 năm. Trong đó, tổ chức trên 40 đoàn kiểm tra cấp tỉnh kiểm tra về tình hình triển khai thực hiện Chương trình ở cấp cơ sở. Thông qua các đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra kịp thời nắm bắt và đề xuất biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương được giao triển khai thực hiện Chương trình.

Công tác giám sát của các cơ quan chức năng các cấp và giám sát từ cộng đồng người dân trong tổ chức thực hiện Chương trình được triển khai thường xuyên, có hiệu quả. Trong đó, Ban giám sát cộng đồng phát huy vai trò công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các công trình của Chương trình đầu tư trên địa bàn xã. Trong quá trình thi công các công trình, các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình kịp thời. Sau khi đưa vào sử dụng, các công trình đã phát huy được hiệu quả, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Có thể nói, qua gần 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã mang lại những kết quả tích cực, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ nhân dân đi lại và canh tác sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Trường THCS Đăk Ruồng vừa được sửa chữa khang trang. Ảnh: TVP

 

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng một số công trình, đặc biệt là các công trình đường giao thông đi khu sản xuất, công tác tuyên truyền vận động các hộ dân hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc trên đất để xây dựng các công trình còn gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Đối với công trình thực hiện theo cơ chế đặc thù, nghĩa là nhà nước và nhân dân cùng làm, thì rất khó huy động phần nhân dân đóng góp bằng tiền để đầu tư xây dựng các công trình, mà chủ yếu đóng góp bằng ngày công. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư của Chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trên địa bàn tỉnh, nguồn ngân sách đối ứng của địa phương còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào ngân sách cấp trên hỗ trợ. Tiến độ thực hiện và giải ngân của Chương trình còn chậm, tỷ lệ giải ngân còn thấp, phải kéo dài thời gian thực hiện, một số dự án phải điều chỉnh quy mô dự án.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Quốc Tuấn đề nghị, trong thời gian tới, Trung ương và tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu, kiến nghị với Bộ Xây dựng sớm ban hành thông tư mới thay thế Thông tư số 13/2019/TT-BXD, ngày 26/12/2019 về “Quy định việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công trình xây dựng thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới”. Trong đó, bổ sung hướng dẫn quy trình, thủ tục quản lý chất lượng thi công, nội dung, định mức chi phí thực hiện công tác bảo trì công trình được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù quy định, để địa phương có cơ sở thực hiện.

Chương trình tiếp tục hỗ trợ kinh phí để mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, công tác giảm nghèo để tổ chức thực hiện; đồng thời, chú trọng việc tập huấn, nâng cao năng lực cho cộng đồng trong việc áp dụng kiến thức mới, kỹ thuật mới trong việc triển khai thực hiện Chương trình sát với tình hình thực tế của từng địa phương.    

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác