11/09/2020 06:04
Với đặc thù của tỉnh miền núi thì việc nâng cao dân trí, ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống chỉ trở thành hiện thực khi nền giáo dục đủ mạnh. Thực tế cho thấy, nếu thiếu kiến thức, tri thức sẽ mãi luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu. Một khi nhận thức hạn chế tất yếu sẽ khó thay đổi hành vi. Một khi hạn chế trong việc tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, những cách làm ăn mới sẽ dẫn đến khó khăn trong việc lựa chọn hướng phát triển kinh tế gia đình. Một khi thiếu tri thức cũng sẽ khó mà tiếp cận, nắm bắt được thông tin để đẩy lùi các hủ tục lạc hậu...
Chính vì vậy, xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho một tương lai phát triển toàn diện của tỉnh nhà, những năm qua, Tỉnh ủy quan tâm ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục: hội thảo chuyên đề; chú trọng huy động học sinh ra lớp đúng độ tuổi và vận động học sinh bỏ học trở lại lớp; xã hội hóa công tác giáo dục... Đặc biệt, ngành Giáo dục nghiên cứu và tìm ra những mô hình giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương như: Tăng cường vốn tiếng Việt cho học sinh DTTS ở mầm non, tiểu học và THCS; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực và phù hợp với đối tượng học sinh; chú trọng công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên...
|
Với sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, chất lượng giáo dục - đào tạo chuyển biến tích cực. Kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và giáo dục trung học cơ sở được duy trì và nâng cao. Hệ thống trường, lớp học tiếp tục được củng cố, sắp xếp, tạo thuận lợi cho người học, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục; đến năm 2020, tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố các cấp học đạt 98,3%, tăng 1,1% so với năm học 2015-2016; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư. Toàn tỉnh có 197 trường đạt chuẩn quốc gia (Mầm non 57 trường, chiếm tỷ lệ 41%; Tiểu học 82 trường, chiếm tỷ lệ 61,7%; THCS 45 trường, chiếm tỷ lệ 40,5%; THPT 13 trường, chiếm tỷ lệ 48,1%). Các huyện, thành phố đều phát triển được trường mầm non ngoài công lập; các cơ sở giáo dục được sắp xếp tinh gọn, hiệu quả...
Đáng mừng hơn nữa là tỉnh ta luôn quan tâm đầu tư, hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS, xem đây vừa là mục tiêu trước mắt, vừa là mục tiêu lâu dài nhằm từng bước nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, tạo nền tảng vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh chuyên cần vùng DTTS ngày càng tăng; chất lượng dạy và học ở các cấp học vùng DTTS có chuyển biến tích cực. Trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều học sinh người DTTS đã vượt qua khó khăn, đạt thành tích cao trong học tập và trở thành tấm gương để các học sinh khác noi theo. Như trường hợp em A Vang đã vượt qua vòng luẩn quẩn đói no và chuyện học, vượt qua chặng đường dài gian khó từ làng Long Dua nằm cheo leo trên núi về trung tâm xã, trung tâm huyện để học và trở thành người đầu tiên ở vùng đất khó Mường Hoong, Đăk Glei đỗ đại học nguyện vọng 1. Trong 4 năm theo học ngành sư phạm tiểu học ở Đại học Quy Nhơn, A Vang vừa học, vừa làm thêm và luôn phải sống tằn tiện từ số tiền ít ỏi có được. Tốt nghiệp đại học, em được trở về quê hương dạy học, trở thành tấm gương thắp sáng ước mơ “con chữ cho lúa thêm bông” cho những thế hệ học trò nơi đây…
Chọn hướng đi sát, đúng, trúng và có sự đầu tư cho giáo dục chất lượng cao, những năm gần đây, học sinh Kon Tum liên tiếp đạt nhiều giải và giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, các cuộc thi khoa học kỹ thuật… Như năm 2019, dự án “Truyện cổ người Ba Na với trẻ em Ba Na ở Kon Tum” của hai học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành là Hồ Nguyễn Nghi Dung và Lê Hoàng Nhật Lam đã đạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Hay em Bùi Nữ Minh Ngọc, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã đạt giải nhất tuần trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia…
Mới đây, tin vui với nhiều người quan tâm đến công tác giáo dục là kết thúc đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tỉnh ta có tỷ lệ thí sinh đậu tốt nghiệp đạt 97,69%, tăng 6,32% so với năm 2019. Trong bối cảnh một năm học với nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19, ngành Giáo dục Kon Tum đã có sự điều chỉnh về thời gian học, chương trình học và triển khai hàng loạt những biện pháp khác để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh vừa nâng cao được chất lượng giáo dục thì đây là kết quả đáng khích lệ.
Những kết quả đạt được trong sự nghiệp “trồng người” thời gian qua có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, phát triển nhân lực và đào tạo nhân tài, góp phần nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 52%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đề ra.
Nguyên Phúc