Dấu ấn về con đường cách mạng

20/08/2023 06:10

Cách mạng Tháng Tám thành công đưa dân tộc ta “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. 78 năm đã đi qua, trang vàng lịch sử đã mở ra chặng đường chói lọi không chỉ cho nhân dân ta, đất nước ta, mà còn đánh dấu sự chuyển biến tích cực cho phong trào cách mạng ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng. Dấu ấn về con đường theo Đảng trong ký ức của các đồng chí lão thành cách mạng từ ngày ấy giúp các thế hệ đi sau càng thấm thía hơn về một khởi nguồn đầy ý nghĩa hôm nay.

Ông Lê Hồng Tân (tức Võ Quyên) sinh năm 1922 người làng Phương Trì (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng, năm 1940, chàng trai 18 tuổi đã chính thức trở thành “người của Việt Minh”, đi làm liên lạc, dẫn đường cho các đồng chí cán bộ huyện, tỉnh. Thời kỳ tiền khởi nghĩa (1944 -1945), ông cùng cán bộ vận động người dân địa phương đi theo con đường giải phóng dân tộc, tổ chức các cuộc mít tinh có treo cờ búa liềm tại Trảng Bằng, Gò Giam. Ông còn tham gia cùng anh em trong tổ chức “Thanh niên phản đế” làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cán bộ về cơ sở.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra tại quê nhà, ông có mặt trong đội ngũ được trang bị dao găm, mã tấu, đi tiên phong cướp chính quyền tại huyện lỵ Quế Sơn, bắt tri huyện cúi đầu trước nhân dân và giao ấn cho Việt Minh.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tiếp tục tham gia công tác tại xã. Ngày 16/9/1946, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau 7 năm liền trong cương vị huyện ủy viên, cuối năm 1953, ông Tân được Khu ủy Khu V điều động lên tăng cường công tác cho tỉnh Kon Tum. 30 năm gắn bó với đồng chí, đồng bào Bắc Tây Nguyên, ông Lê Hồng Tân từng đảm nhận các cương vị Huyện ủy viên, Phó Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban giao bưu, cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cơ quan...

Một số đồng chí lão thành cách mạng từng hoạt động ở tỉnh Kon Tum (Ảnh gốc tháng 8/1996 tại Hà Nội). Ảnh: TN

 

Ông Nguyễn Tuấn Tài (tức Trần Kiên) nguyên là Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum, sinh ra trong một gia đình bần nông ở làng An Hội (xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Quê hương nổi tiếng với phong trào Cần Vương chống Pháp, nên từ năm 1930, ông đã tham gia cách mạng, đi rải truyền đơn tố cáo tội ác của thực dân -phong kiến, kêu gọi quần chúng đoàn kết chống Pháp.

Năm 16 tuổi, ông ra thị xã Quảng Ngãi học nghề thợ hồ và tìm việc làm. Được nhanh chóng giác ngộ, ông tham gia Thanh niên Phản đế, Mặt trận Bình dân. Tháng 3/1945, ông gia nhập đội du kích Ba Tơ, biên chế vào Đại đội Phan Đình Phùng. Khởi nghĩa tháng 8/1945, ông tham gia đánh Đồn Gi Lăng, đuổi nhật ở Xuân Phổ, rồi hòa vào dòng người cướp chính quyền ở thị xã Quảng Ngãi.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Trần Kiên là cán bộ tiểu đoàn chủ lực của Khu 15 (Tây Nguyên) được giao nhiệm vụ phụ trách cánh Bắc Kon Tum. Tháng 8/1954, ông Trần Kiên tham gia Ban cán sự đảng tỉnh Kon Tum. Tháng 4/1955, ông đảm nhận cương vị Bí thư Tỉnh ủy, cho đến năm 1961, được điều về làm Phó Ban quân sự Khu ủy Khu V...

Ông Trần Kiên (ngồi ngoài cùng bên trái), ông Trần Thanh Dân (ngồi thứ 2 từ phải sang). Ảnh: TN

 

Ông Lê Hai - Nguyên Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum, quê làng Hải Môn (xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 11 tuổi, ông xa gia đình, vào Nha trang ở đợ. Đầu năm 1945, trở về nhà, được tuyên truyền, giác ngộ, ông hăng hái tham gia nhiều hoạt động do Việt Minh tổ chức, được cử vào Ban Chấp hành Hội Nông dân, Ủy ban Việt Minh. Chưa đầy một năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 4/1950, ông Lê Hai là cán bộ được Khu ủy Khu V bổ sung về công tác tại tỉnh Gia Lai – Kon Tum, sau là Bí thư huyện Kon Plông, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy ...

Có thể nói, nhờ tôi luyện, thử thách từ Cách mạng Tháng Tám, sự ra đời và trưởng thành thế hệ cán bộ kiên trung, nòng cốt của Đảng thực sự mang ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tại địa bàn tỉnh Kon Tum ngày ấy, khi được tăng cường lên công tác, ngay lập tức, các cán bộ Việt Minh người “miền xuôi” đã trở thành những hạt nhân tích cực, cần mẫn đi gieo “hạt giống đỏ” đến đồng bào các dân tộc ít người, đến tận các thôn làng xa xôi, hẻo lánh và gây dựng căn cứ vững chắc, chuẩn bị cho ngày toàn thắng.

Đúng như ông Trần Thanh Dân - Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai - Kon Tum ghi nhận: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các cán bộ “tiền khởi nghĩa” này thực sự đã tiền phong, gương mẫu, đi đầu thực hiện “bốn bám, bốn cùng, bốn tận, bốn dám”; cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ. Trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng lại đất nước, quê hương, các cán bộ lão thành được sinh ra và lớn lên từ Cách mạng Tháng Tám luôn xứng đáng với sự tin yêu, kính trọng của nhân dân trong các cương vị lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở, từ công tác trong tổ chức Đảng, chính quyền đến Mặt trận, đoàn thể, ban ngành...

Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và kỷ niệm Quốc khánh 2/9, tưởng nhớ thế hệ cán bộ lão thành cách mạng mà hầu hết đến giờ đã không còn nữa, với cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh mãi là niềm thành kính tri ân.

Thanh Như

Chuyên mục khác