Dấu ấn từ đầu nhiệm kỳ

28/01/2017 14:02

Tuy mới thực hiện nhiệm vụ dân cử trong thời gian ngắn (6 tháng cuối năm 2016) nhưng các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) đã để lại những dấu ấn khi làm tốt chức năng, nhiệm vụ; thể hiện rõ chính kiến tại các kỳ họp Quốc hội và HĐND tỉnh, bảo vệ những lợi ích chính đáng của người dân, đáp ứng được sự kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Lắng nghe dân nói

Trong 6 tháng hoạt động của nhiệm kỳ mới, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức 3 đợt tiếp xúc cử tri định kỳ tại 10 trung tâm huyện, thành phố; 20 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thành phố để báo cáo với cử tri về nội dung, kết quả các kỳ họp Quốc hội khoá XIV và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại các kỳ họp; lắng nghe và tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của cử tri về các vấn đề kinh tế, xã hội, quốc phòng, chế độ chính sách, giải quyết việc làm...

Tại các buổi tiếp xúc, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề nghị UBND các cấp, các sở, ngành liên quan tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; đồng thời thông báo, giải thích cho cử tri biết những nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đối với những vấn đề chưa được trả lời trực tiếp cho cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tập hợp và đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định của pháp luật.

Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tham dự kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quang Vinh

 

Đồng chí A Pớt – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Trong công tác giám sát chuyên đề, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, đã phối hợp và tham gia cùng Đoàn giám sát của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội giám sát kết quả 2 năm (2015-2016) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở giai đoạn 2012-2015 tại tỉnh Kon Tum.

Theo đồng chí A Pớt, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham dự đầy đủ các kỳ họp của Quốc hội khóa XIV. Một số đại biểu đã thể hiện chính kiến, làm tròn vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân như việc chất vấn trực tiếp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những biện pháp để tiếp tục nâng cao thể chế và đưa pháp luật vào cuộc sống hiệu quả hơn; những giải pháp để phát triển bền vững  kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng vùng Tây Nguyên; kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh Kon Tum giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định canh - định cư công trình thủy điện Đăk Đrinh trên địa bàn huyện Kon Plông...

Đoàn đã nghiên cứu, tham gia ý kiến, thẩm tra 6 dự án luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong tỉnh tổ chức cho các đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức, nhân dân trong tỉnh tham gia đóng góp ý kiến vào 3 dự án luật: Luật Đấu giá tài sản, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật về hội.

Ngoài ra, tại kỳ họp thứ nhất và thứ hai của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tập trung nghiên cứu, tham gia 26 lượt phát biểu với 85 ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Đồng thời, tiến hành 9 buổi thảo luận tại Đoàn về cơ cấu tổ chức, nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Đồng chí A Pớt trao đổi với cử tri xã Văn Xuôi. Ảnh: Q.Đ

 

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh A Pớt cho biết: Trong năm 2017, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổ chức cho các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4; phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai lấy ý kiến tham gia các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết theo yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan soạn thảo khác.

Ngoài ra, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; thực hiện một số cuộc khảo sát nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng tại một số xã vùng sâu trên địa bàn tỉnh...

Đổi mới tổ chức tiếp xúc cử tri

Điểm nhấn đáng chú ý trong hoạt động của HĐND tỉnh đầu nhiệm kỳ khóa XI là việc đổi mới công tác tổ chức tiếp xúc cử tri. Thường trực HĐND tỉnh đã yêu cầu các Tổ đại biểu HĐND tỉnh chia thành các nhóm và tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri tại nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng của các thôn, làng, tổ dân phố thay cho địa điểm tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn như trước đây; bảo đảm việc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri được nhiều, đầy đủ và kịp thời hơn. Sự đổi mới này đã được đông đảo cử tri trên địa bàn tỉnh ghi nhận và đánh giá cao.

Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum). Ảnh: T.H

 

Đồng chí Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh tổ chức thành công 3 kỳ họp. Tại các kỳ họp này, HĐND tỉnh đã xem xét thông qua 52 nghị quyết về công tác nhân sự và các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh -quốc phòng. Các nghị quyết của HĐND tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.

Thường trực HĐND tỉnh đã xem xét và cho chủ trương, kết luận 68 tờ trình, báo cáo của UBND tỉnh trình xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh giữa các kỳ họp, đảm bảo đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Đồng thời, tiến hành giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2016; khảo sát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các dự án thủy điện trên địa bàn huyện Ngọc Hồi và huyện Đăk Tô.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Kring Ba cho biết: Năm 2017, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo để tổ chức tốt kỳ họp thứ 4 và kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện 11 cuộc giám sát theo Nghị quyết số 53/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 của HĐND tỉnh với nhiều chuyên đề quan trọng đang được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm như: Việc thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; việc thực hiện Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 và Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 22/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; việc thực hiện Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; việc thực hiện Nghị quyết số 08/2013/NQ-HĐND ngày 4/7/2013 của HĐND tỉnh Kon Tum (khóa X) về việc thông qua Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông...

Cử tri phường Trần Hưng Đạo (TP Kon Tum) nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Q.Đ

 

HĐND tỉnh còn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp; báo cáo kết quả các kỳ họp của HĐND tỉnh cho cử tri trong tỉnh biết để giám sát.

Cùng với các hoạt động trên, Thường trực HĐND tỉnh sẽ xem xét, tổ chức hoạt động giải trình tại các phiên họp thường kỳ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc UBND các cấp và các cơ quan nhà nước khác ở địa phương trong việc trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri và thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh...

                                                                                  Quang Định

Chuyên mục khác