01/01/2025 13:13
Kết quả này thể hiện rõ nét trên các khía cạnh cắt giảm thực chất thủ tục hành chính (TTHC); kết nối, vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính quyền điện tử; đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số.
Tại Hội nghị đánh giá kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Kon Tum (tháng 8/2024), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh; trong năm 2024, tỉnh đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011- 2020 với 6 nội dung cơ bản là: Cải cách về thể chế; cải cách về TTHC; cải cách tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính.
Trong đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, coi đây là khâu đột phá, lấy nhân dân làm trung tâm, hướng vào sự hài lòng của người dân, tiết kiệm, đơn giản, gọn nhẹ.
|
Bước đột phá trong cải cách hành chính là hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin không ngừng được đầu tư, hoàn thiện. Trong đó, tỉnh đã hoàn thiện về kỹ thuật đối với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh để đáp ứng yêu cầu số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC.
Lĩnh vực cải cách thể chế được quan tâm đặc biệt. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc khâu thẩm định, tự kiểm tra theo quy định, theo thẩm quyền.
Kịp thời ban hành Quyết định công bố TTHC nội bộ; công bố danh mục TTHC ban hành mới; chuẩn hóa; sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành 92 quyết định công bố danh mục TTHC ban hành mới; sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.
Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Kon Tum, đảm bảo cho việc thực hiện các quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong giải quyết TTHC cho công dân.
Đến hết quý III/2024, tổng số TTHC trên địa bàn toàn tỉnh là 1.755 (cấp tỉnh 1.397 TTHC, cấp huyện 224 TTHC; cấp xã 104 TTHC, chung 3 cấp: 30 TTHC).
Danh mục TTHC thực hiện trên địa bàn tỉnh đã được công khai, chia sẻ dữ liệu và đồng bộ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC (có mã số TTHC và nội dung chi tiết từng thủ tục tại cơ sở dữ liệu quốc gia) Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Kon Tum tiếp tục thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia và 14 Hệ thống và cơ sở dữ liệu khác.
Đã cung cấp 990 dịch vụ công toàn trình, 373 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.363/1.755 TTHC của tỉnh (đạt 76,66%).
Đặc biệt, khâu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công được đẩy mạnh.
|
Hiện cấp tỉnh đã thực hiện số hóa thành phần 17.672/19.632 hồ sơ (đạt tỷ lệ 90,01%); số hóa kết quả 16.513/19.728 hồ sơ (đạt tỷ lệ 83,70%); cấp huyện đã thực hiện số hóa thành phần 4.297/4.633 hồ sơ (đạt 92,74%), số hóa kết quả 3.667/4.636 hồ sơ (đạt 79,10%); cấp xã đã thực hiện số hóa thành phần 20.755/24.695 hồ sơ (đạt 84,04%), số hóa kết quả 20.724/24.520 hồ sơ (đạt 84,52%).
Việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được đẩy mạnh. Tiếp tục triển khai thực hiện phương án tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh đối với 39 TTHC, gồm 31 thủ tục cấp tỉnh; 8 thủ tục cấp huyện, thuộc các lĩnh vực tư pháp, nông nghiệp, đất đai, môi trường, tài chính doanh nghiệp, giáo dục, quy hoạch, xây dựng, lưu thông hàng hóa.
Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn tỉnh (từ ngày 1/10/2024 đến ngày 30/6/2025). Từ đó tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và công sức đi lại cho người dân và cả cơ quan hành chính nhà nước.
Hiệu quả thực thi TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp được nâng cao, thông qua việc 100% TTHC được công bố, công khai đầy đủ, đúng hạn, kể cả trạng thái xử lý, trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.
Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết TTHC, dịch vụ công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, kiên quyết xử lý theo đúng quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tự ý đặt ra TTHC không đúng quy định hoặc để chậm, muộn nhiều lần.
Vì vậy, có thể nói nhiều TTHC không cần thiết, rườm rà, phức tạp, gây phiền toái đã được loại bỏ, mang lại thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Tình trạng người dân phải giao dịch trực tiếp với cán bộ, công chức, cơ chế xin- cho, nhũng nhiễu, vòi vĩnh đã giảm hẳn.
Hơn ai hết, người dân, doanh ngiệp cảm nhận được kết quả, tác động của CCHC một cách trực tiếp nhất khi có việc phải tiếp xúc, giải quyết công việc với các cơ quan hành chính nhà nước.
Anh Nguyễn Hữu Vinh (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Lâu nay, mỗi khi nói đến TTHC, nhiều người ví von rằng “hành là chính”, vì gây ra nhiều phiền hà, rắc rối, mất quá nhiều thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp. Nhưng thời gian gần đây, có thể thấy rõ sự đổi mới mạnh mẽ, thuận lợi, hiệu quả và nhanh chóng hơn rất nhiều.
Mới đây, anh Vinh chỉ mất vài ngày, với một lần đi lại, để làm thủ tục xóa đăng ký góp vốn quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. “Không chi phí không chính thức, không còn phải chấp nhận sự thờ ơ của viên chức thừa hành, hoặc tâm thế “ban phát”, hoạnh họe, bắt đi lại nhiều lần”- anh Nguyễn Hữu Vinh nói.
Ở góc nhìn vĩ mô hơn, có thể thấy CCHC ngày một hoàn thiện, với hàng loạt giải pháp thúc đẩy CCHC đã được triển khai quyết liệt, từ đó nâng cao chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính. Đưa CCHC là một trong những yếu tố cơ bản giúp tỉnh ta thực hiện thành công hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu trong năm 2024.
Bước sang năm 2025, CCHC tiếp tục là một trong những khâu đột phá hết sức quan trọng. Vì vậy, các cấp, các ngành cần vào cuộc với quyết tâm chính trị cao; triển khai đồng bộ và hiệu quả những giải pháp thúc đẩy CCHC; từng bước kiến tạo môi trường hành chính minh bạch, hiệu quả và tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất kiến nghị cấp có thẩm quyền đơn giản hóa TTHC, giảm mạnh giấy tờ, biểu mẫu, tờ khai không cần thiết, làm khó hoặc gây phiền hà, mất thời gian, công sức của người dân, tổ chức. Tăng cường các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức trong việc chuẩn bị hồ sơ TTHC.
Thực hiện tốt việc công bố, công khai, minh bạch đầy TTHC theo quy định. Người dân, doanh nghiệp được theo dõi, đánh giá quá trình giải quyết TTHC của cơ quan hành chính nhà nước để qua đó, kịp thời phản ánh, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền đối với việc giải quyết TTHC giải quyết chưa đúng quy định.
Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong giải quyết TTHC. Ưu tiên các vấn đề cấp bách, cần tháo gỡ, nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về đầu tư, đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Hồng Lam