Đất nước

02/05/2023 13:07

Lịch sử của đất nước ta đã luôn gắn với những câu chuyện “rì rầm” như thế, từ những con người bình dị như thế. Rì rầm thôi, nhưng thiêng liêng và có sức sống bền bỉ.

Một ngày cuối tháng Tư, tôi tham dự buổi ngoại khóa của câu lạc bộ văn học ở trường THPT theo đề nghị của một thành viên.  

Các bạn tham gia buổi ngoại khóa được đề nghị phân tích ý nghĩa của đoạn thơ: “Có biết bao người con gái, con trai/Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi/Họ đã sống và chết/Giản dị và bình tâm/Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra Đất Nước” (trích Trường ca Mặt đường khát vọng- Nguyễn Khoa Điềm).

Hôm ấy, các em đã thảo luận, trao đổi rất cởi mở và chân thành. Tất nhiên, dưới góc nhìn và cảm nhận của thế hệ mới, đã cách xa tiếng đạn bom mấy chục năm.

Nhưng hầu hết đều cùng suy nghĩ “Đất nước là của nhân dân”, và “Đất nước được dựng xây, được bảo vệ bởi những con người bình dị”. Trách nhiệm của lớp trẻ- người chủ đất nước của hôm nay và mai sau- là tiếp tục bảo vệ, gìn giữ và xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp.

Tôi như thấy lại mình của hơn 30 năm trước, tràn đầy cảm xúc khi lần đầu đọc những vần thơ da diết, như rút từ tâm can ấy.

Ngày 16/3/1975, tỉnh Kon Tum được hoàn toàn giải phóng, mở ra trang sử mới hòa bình, tự do, hạnh phúc cho nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum. Ảnh: Tư liệu

 

Nhìn sâu vào chiều dài lịch sử, “vào bốn nghìn năm Đất Nước”, như cách nói của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, biết bao thế hệ con người Việt Nam, trải qua “hàng ngàn lớp tuổi”, đã dựng nên và gìn giữ đất nước này.

Từ thời kỳ của các vua Hùng đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn cho tới hôm nay, qua biết bao thăng trầm, bi hùng, nhiều triều đại, thể chế ở Việt Nam đã thay đổi, nhưng đất nước Việt Nam vẫn luôn được nhân dân bảo vệ “ngàn thuở vững âu vàng”.

Tiếp đó là “đêm trường nô lệ” của một nước thuộc địa nửa phong kiến suốt 87 năm, kể từ năm 1858, nhân dân ta sống trong cảnh “nước mất nhà tan”, đói rách lầm than, oằn lưng, tối mặt với sưu cao, thuế nặng, lao dịch, phu phen.

78 năm trước, tháng Tám năm 1945, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta, từ Bắc tới Nam, “đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” trong “giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc”, làm nên một kỳ tích trong lịch sử dân tộc Việt Nam- Cách mạng Tháng Tám.

Ngày ấy, “gió tháng Tám thổi lộng, làm dậy lên đỏ rực lớp lớp những lá cờ”. Từ đó, đất nước là do nhân dân tạo dựng, bảo vệ và làm chủ!

48 năm trước, tháng Tư năm 1975, cả nước bước vào cuộc tấn công thần tốc, khí thế ngùn ngụt, chiến công nối tiếp chiến công của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: “Chặt Buôn Mê Thuột, rụng cả Tây Nguyên/ Quét Huế - Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng/ Và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên/ Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nha Trang lũ ngụy cuống cuồng, rũ rượi một màu tang cờ trắng” (Toàn thắng về ta- Tố Hữu).

11 giờ 30 phút, ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975, khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, lịch sử đất nước sang trang mới.

Phải trải qua ba mươi năm chiến đấu trường kì đầy hi sinh gian khổ mới có được niềm vui toàn thắng. Và kì diệu thay, làm nên ngày toàn thắng là đoàn quân áo vải, mũ tai bèo “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”; là những chịu đựng mất mát, hy sinh trong thầm lặng, trong vô danh của bao người, từ hậu phương đến tiền tuyến.

Cả nước trào dâng niềm hạnh phúc tột cùng, niềm vui sướng vô biên của triệu triệu người Việt Nam trong giờ phút lịch sử. Như nhà thơ Tố hữu đã sung sướng reo lên: “Ôi! Nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng!/ Trào vui nước mắt cứ rưng rưng/ Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy/ Dồn dập tim ta trăm trận thắng tưng bừng” (Toàn thắng về ta- Tố Hữu).

Trong đội hình quân giải phóng trùng trùng điệp điệp vượt qua mưa bom bão đạn tiến về Sài Gòn năm ấy có chiến sĩ trẻ Phan Khắc Long. Trung đoàn 24 (QK 8- miền Tây Nam Bộ) của ông được giao nhiệm vụ tham gia đánh chiếm cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y và Tổng Nha Cảnh Sát Ngụy.

Hôm ấy, sau khi đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát Ngụy, bữa cơm đầu tiên của ông và đồng đội là những tô mì tôm do các nữ du kích nội thành chuẩn bị. 

Mấy chị vừa múc mì tôm vừa xuýt xoa: Tội nghiệp mấy em quá. Ráng ăn đi nghen, mai mốt xong việc, mấy chị, mấy má đi chợ mua đồ về nấu cơm chiêu đãi bù. Có chị còn lấy khăn rằn lau mồ hôi cho một cậu lính trẻ.

Sau này, trong câu chuyện rì rầm bên mâm cơm gia đình mừng Ngày chiến thắng ở thành phố Kon Tum, ông Phan Khắc Long vẫn kể cho con cháu nghe về “bữa cơm hòa bình” đầu tiên ở Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 ấy.

Lịch sử của đất nước ta đã luôn gắn với những câu chuyện “rì rầm” như thế, từ những con người bình dị như thế. Rì rầm thôi, nhưng thiêng liêng và có sức sống bền bỉ.

Tự hào thay, trong dòng chảy lịch sử vinh quang ấy, có sự đóng góp của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.

Khi đất nước, quê hương lâm nguy, bị kẻ thù xâm chiếm, già trẻ, trai gái các dân tộc sẵn sàng đứng lên đánh giặc cứu nước, bất chấp hy sinh, gian khổ; góp sức lực, máu xương làm nên những chiến công vang dội.

Rừng núi Kon Tum che bộ đội, vây quân thù. Người Kon Tum mở đường, kéo pháo; gùi gạo nuôi bộ đội; vận chuyển vũ khí, đạn dược, thuốc men ra chiến trường.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum dưới sự lãnh đạo của Đảng đã anh dũng đấu tranh góp phần làm thất bại các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Thành phố Kon Tum rực rỡ cờ, hoa mừng kỷ niệm Ngày chiến thắng. Ảnh: T.H

 

Từ chiến thắng Măng Đen, Măng Bút, Kon Praih tháng 1/1954 đến đồng khởi với nổi dậy ở Tà Bót tháng 9/1960, rồi Đăk Tô - Tân Cảnh mùa hè 1972 và chiến thắng 16/3/1975 lịch sử giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất nước nhà đều được đánh đổi bằng máu xương của nhân dân. 

Những hy sinh ấy đi vào những trang sử vàng của dân tộc, đã, đang và sẽ sống mãi trong trái tim người dân Kon Tum và các dân tộc Tây Nguyên.

Mỗi lần rong ruổi trên những tuyến đường, tôi đều như thấy lại hình ảnh từng đoàn người tay bám cây rừng, chân bấm đất sỏi, ngày qua ngày vượt núi trèo đèo cõng gạo, gùi đạn phục vụ chiến đấu.

Mỗi khi đi qua một ngôi làng, tôi lại như nghe tiếng chày giã gạo thâu đêm suốt sáng của nhân dân để nuôi bộ đội. Và như thấy người mẹ Xơ Đăng “tay cầm khẩu súng, phía trước địu con, sau lưng cõng đạn” trong đoàn dân công hướng về tiền tuyến.

Từ khi non sông liền một dải đến nay, nhân dân Kon Tum lại hiền lành và chăm chỉ lao động để xây dựng quê hương; gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ mai sau mọi giá trị văn hóa vật chất và tinh thần.

Với sự phát triển không ngừng trên các lĩnh vực, kinh tế - xã hội tỉnh nhà có những điểm sáng đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh luôn duy trì mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chú trọng.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,86%; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Diện mạo nông thôn và đô thị không ngừng đổi mới; các tuyến giao thông huyết mạch được đầu tư, góp phần phá thế ngõ cụt, tạo nên hành lang kết nối với các tỉnh lân cận.

Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đây là nền tảng để Đảng bộ, quân và dân tỉnh Kon Tum vượt qua khó khăn, tiếp tục giành được những thành tựu trong chặng đường sắp tới.

Đây cũng là lý do để chúng ta, những người đang sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc phải cảm thấy có trách nhiệm hơn với những gì mình đang có.

Và vì đất nước tươi đẹp, cường thịnh hơn!

Thành Hưng

Chuyên mục khác