Đào tạo nghề lao động nông thôn: Nỗ lực hoàn thành sớm kế hoạch

22/10/2018 18:08

​Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để hoàn thành sớm chỉ tiêu được giao trong năm.

Năm 2018, thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh có 3.140 chỉ tiêu đào tạo nghề được phê duyệt.

Theo Sở LĐ-TB&XH (cơ quan thường trực tham mưu tỉnh triển khai thực hiện Quyết định 1956), đến giữa tháng 10, các địa phương đã dạy nghề và cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình học cho 2.803 người, đạt gần 90% kế hoạch giao. Một số địa phương thực hiện đạt trên 90% kế hoạch năm như: Sa Thầy 91,3%, thành phố Kon Tum đạt gần 92%, Kon Rẫy 95%, Tu Mơ Rông 96%, Đăk Glei đạt 97%, Đăk Hà đạt 100% và Đăk Tô đạt 122%; còn lại các huyện thực hiện đạt 80% - 85% chỉ tiêu giao

Trao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghề cho lao động xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum). Ảnh: M.T

 

Theo Sở LĐ-TB&XH, có được kết quả tích cực trên là cuối năm 2017 đến các tháng đầu năm 2018, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành củng cố, sắp xếp lại 12 cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đối với các trường cao đẳng, trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên. Và sau khi đi vào hoạt động ổn định, hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có tổng số 325 cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên. Đội ngũ này được tạo điều kiện nghiên cứu, tham gia các đợt bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn. Đây là điều kiện tích cực để cán bộ, giáo viên có sự sáng tạo, đổi mới trong công tác truyền đạt lý thuyết, tiến hành thực hành kiến thức và chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật cho học viên.

Bên cạnh đó, những tháng đầu năm 2018, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của tỉnh đã quan tâm phê duyệt và phân bổ sớm chỉ tiêu, kinh phí thực hiện tuyên truyền, rà soát, lập danh sách học viên đăng ký học nghề theo nhu cầu việc làm, nhu cầu cần nguồn lao động tại địa phương. Đồng thời, Ban chỉ đạo còn đề ra nhiều giải pháp tổ chức các hoạt động dạy nghề phù hợp với tình hình thực tế ở khu dân cư, để người dân sắp xếp thời gian, tránh bỏ học giữa chừng…

Điển hình là Sa Thầy, đến nay đã có 328 lao động ở 8 xã tham gia các lớp học các nghề cạo mủ cao su, chăm sóc cây cà phê, nuôi trâu bò, đạt 91,3% chỉ tiêu đăng ký năm nay. Ông Trương Công Chính – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sa Thầy chia sẻ: Tháng 2/2018, sau khi có văn bản của UBND tỉnh về phân bổ chỉ tiêu đào tạo nghề lao động nông thôn, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài chính – Kế hoạch, đơn vị chuyên môn và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Sa Thầy phối hợp xây dựng kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu, nguồn vốn và bố trí thời gian mở lớp học nghề dành cho các đối tượng trên địa bàn (theo danh sách đã đăng ký học nghề trước đó).

Ở thành phố Kon Tum, hiện tại cũng đã có 390/425 người đã được đào tạo nghề theo Quyết định 1956, đạt gần 92% kế hoạch năm. Ông Phan Thành Trung – Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH thành phố cho biết thêm, đối với thành phố Kon Tum, hiện nay vẫn có một khó khăn trong công tác này, đó là các ở lớp dạy nghề cho lao động ở các xã đã thực hiện đúng tiến độ đề ra, nhưng kinh phí chi trả cho các đơn vị được hợp đồng đào tạo nghề vẫn còn thiếu. Nguyên do, UBND thành phố Kon Tum được phê duyệt chỉ tiêu dạy nghề cho 425 lao động với tổng kinh phí chi trả gần 1,2 tỷ đồng, nhưng tỉnh mới giao 409 triệu đồng. Trong khi ngân sách địa phương không có nguồn đối ứng. Vì vậy, UBND thành phố đã có văn bảo báo cáo UBND tỉnh sớm cấp nguồn bổ sung để đơn vị sớm hoàn thành hợp đồng với các đơn vị đã ký, sau khi bế giảng 1 lớp học còn lại vào đầu tháng 11 sắp tới.  

Đối với phản ánh kiến nghị của thành phố Kon Tum và một số huyện khác về việc phân bổ kinh phí chưa đảm bảo thực hiện Quyết định 1956 năm 2018, Sở LĐ-TB&XH đã có báo cáo trình tỉnh sớm giải quyết trong thời gian sớm nhất, góp phần đạt hiệu quả cao nhất và sớm nhất về hoàn thành kế hoạch năm đề ra.

Sở cũng sẽ tham mưu tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý, giám sát cho cán bộ cấp huyện, cấp xã và các hội đoàn thể trong thực hiện công tác trên ở cơ sở; đôn đốc, theo dõi các địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh triển khai thực hiện "Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, theo Quyết định 1952/QĐ-BLĐTBXH…

Mai Trâm

Chuyên mục khác