Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: ​Tăng hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm

24/03/2018 18:00

Đầu tháng 3 vừa qua, Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của tỉnh đã tổ chức họp trực tuyến triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018.

Tại buổi họp này, Ban chỉ đạo cấp tỉnh đề cập một số hạn chế và yêu cầu các địa phương, sở ngành liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, không để tái diễn hạn chế về dạy nghề, tạo việc làm cho lao động như trong năm cũ 2017.

Năm 2017, Sở LĐ-TB&XH - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg cấp tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào đầu tháng 4.

Quá trình các địa phương thực hiện kế hoạch trên, đơn vị thường trực cũng đã phối hợp khoảng 30 đợt lồng ghép, kiểm tra độc lập ngành về công tác tổ chức tư vấn, mở lớp dạy nghề ở cơ sở đúng định hướng, chỉ tiêu phê duyệt. Kết thúc năm 2017, toàn tỉnh có 2.315 lao động được đào tạo nghề, tổng kinh phí đã giải ngân hỗ trợ đào tạo (chi phí đào tạo, tiền ăn, đi lại) 5.466,39 triệu đồng.   

Lao động tham gia học nghề làm chổi đót ở thị trấn Sa Thầy. Ảnh: M.T

 

Tuy nhiên, kết quả thực hiện trên chỉ đạt gần 78% kế hoạch UBND tỉnh giao. Nguyên nhân là do một số địa phương chưa tích cực chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện chỉ tiêu dạy nghề được giao, chưa có nhiều biện pháp tuyên truyền để người được hỗ trợ học nghề đồng thuận, tham gia hoàn thành khóa học.

Một số địa phương thực hiện chỉ tiêu về đào tạo cho lao động đạt thấp dưới 80% kế hoạch giao năm 2017, như huyện Tu Mơ Rông, Đăk Tô, thành phố Kon Tum, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kon Tum (nay được sáp nhập vào Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum).

Giải trình về kết quả đào tạo nghề đạt thấp ở huyện Tu Mơ Rông  (63,9% kế hoạch giao năm qua), ông A Rin Ka - Phó Chủ tịch UBND huyện này cho rằng, lao động đăng ký học nghề ban đầu 100%. Quá trình theo học, lao động đã bỏ học giữa chừng. Họ nêu lý do, hàng ngày đi về đường sá xa, khó khăn, hoặc thời gian học quá dài (1-2 tuần) ảnh hưởng đến công việc sản xuất ở nhà và cộng nguồn kinh phí hỗ trợ 30 ngàn đồng/người/ngày là quá thấp, không đủ chi tiêu...

Đối với thành phố Kon Tum với 186/434 người được đào tạo nghề, đạt 42,9% chỉ tiêu kế hoạch giao, ông Nguyễn Thanh Mân - Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum nêu: Địa phương có 21 xã phường, trong đó dân số 10 phường chiếm 61% và người trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo nghề rất đông; trong khi dân số ở 11 xã chừng 39%, qua rà soát lao động gần như đã qua học nghề các năm trước. Thành phố muốn đào tạo nghề cho lao động ở phường, nhưng theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ chỉ tập trung vùng nông thôn.

Thành phố Kon Tum còn gặp khó khăn không có trung tâm dạy nghề độc lập, địa phương phải ký kết hợp đồng với các đơn vị dạy nghề trong tỉnh. Tuy nhiên quá trình làm việc đôi bên, chưa thỏa thuận về thời gian tổ chức lớp học theo nhu cầu của lao động, nên ảnh hưởng đến thực hiện chỉ tiêu chung.

Ông Mân cũng kiến nghị Ban chỉ đạo cấp tỉnh sớm có văn bản tham mưu tỉnh, bộ ngành điều chỉnh bổ sung lao động thuộc khu vực phường, thị trấn được đào tạo nghề phù hợp. Mặt khác, lao động đã được đào tạo nghề thuộc các dự án, chương trình khác cũng nên xem xét, tổng hợp để tránh lãng phí nguồn ngân sách bố trí thêm lần nữa đào tạo nghề theo Quyết định 1956 trong những năm tiếp theo.

Tại hội nghị, sau ý kiến giải trình của các địa phương đạt chỉ tiêu thấp, đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của tỉnh đã yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tiếp thu các kiến nghị của đại diện UBND các huyện, thành phố để tham mưu Ban chỉ đạo trình UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương, hoặc bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề lao động nông thôn thuộc các phường, thị trấn.

Theo kế hoach nhiệm vụ năm 2018, toàn tỉnh triển khai thực hiện đào tạo nghề cho 3.300 lao động nông thôn. Với nhiệm vụ cụ thể này, đồng chí Trần Thị Nga nhấn mạnh: Chỉ tiêu đã được thông qua, các sở ngành, địa phương không tái diễn những hạn chế thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn như năm qua; phải tăng sự quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nghề hiệu quả, nỗ lực giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, các địa phương các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 209 và Quyết định 1258/QĐ-UBND về sửa đổi, bổ sung thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh, hoàn thành trước 31/3/2018.

Mai Trâm

Chuyên mục khác