Đạo lý và trách nhiệm

26/07/2020 13:00

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng luôn được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể của toàn xã hội đã góp phần chăm lo, động viên kịp thời về cả vật chất lẫn tinh thần đối với các gia đình chính sách, người có công.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có 5.350 đối tượng chính sách, người có công đang nhận trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó, có 1.056 thương binh, 1.663 bệnh binh, 727 người có công, 655 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam – điôxin; 2 mẹ Việt Nam anh hùng, 3 cán bộ tiền khởi nghĩa, 2 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 858 người đang hưởng các chế độ tuất…

Xác định công tác thương binh liệt sĩ, người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ, chu đáo các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước như chi trả trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, cấp thẻ bảo hiểm y tế... Các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng cũng được chú trọng bằng nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực như: Tặng quà đối tượng người có công vào các dịp ngày Thương binh - Liệt sĩ, Tết Nguyên đán, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quan tâm xây dựng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng khó khăn…

Tặng quà cho gia đình chính sách trên địa bàn huyện Đăk Tô. Ảnh: TH 

 

Ngoài ra, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình chính sách, người có công đã trở thành phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội. Đặc biệt, hàng năm, các cơ quan, ban ngành, tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ hàng tỷ đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh để xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách, người có công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.

Nhằm chăm lo, giúp các gia đình chính sách, người có công với cách mạng ổn định nhà ở, thời gian qua, tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho đối tượng người có công. Tính hết năm 2019, toàn tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ, sửa chữa 659 căn nhà, xây mới 561 căn nhà cho các đối tượng người có công.

Sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước cũng như các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Đến nay, toàn tỉnh có 98,04% gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trong khu dân cư; có 100/102 xã, phường, thị trấn của tỉnh được công nhận là xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ. Đây cũng là động lực để các đối tượng chính sách, gia đình người có công có thêm niềm tin, động lực để vượt lên khó khăn vươn lên phát triển kinh tế gia đình, giúp nhau vượt khó, làm giàu, giáo dục con cháu, người thân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp sức xây dựng quê hương. 

Cấp phát chế độ hàng tháng cho đối tượng chính sách ở xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông). Ảnh: XB 

 

Trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt, cung cấp thông tin liệt sĩ; xây dựng tu bổ nghĩa trang liệt sĩ cũng là một trong những nhiệm vụ được toàn xã hội quan tâm. Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng, các địa phương đã tìm kiếm, tổ chức truy điệu, an táng 21 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào và Campuchia. Hằng năm, các di tích lịch sử cách mạng, các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh được chăm lo tu bổ, nâng cấp.

Mặc dù nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên trong thực tế, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn một số gia đình chính sách có cuộc sống khó khăn. Nhiều trường hợp người có công với cách mạng nhưng không đủ giấy tờ theo quy định đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách. Nhiều ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt…Đây là nỗi trăn trở của các cấp, các ngành và toàn xã hội với mong muốn làm tốt hơn nữa công tác chăm cho lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công.

Kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ là dịp nhắc nhở mỗi chúng ta về những mất mát, hy sinh của các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công đối với đất nước. Từ đó, chú trọng, thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách nhằm thể hiện đạo lý và trách nhiệm của thế hệ hôm nay.

Thùy Hương

Chuyên mục khác