Đạo đức nhà giáo trước yêu cầu đổi mới

15/05/2018 07:05

​Sau hàng loạt chuyện: Thầy chửi trò, trò chửi thầy; thầy đánh trò, trò đánh thầy; thầy đánh chửi thầy…, ngày 7/5, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Điều này cho thấy yêu cầu cấp thiết đạo đức nhà giáo trong công cuộc đổi mới mà toàn ngành đang nỗ lực thực hiện hiện nay.

1. Nóng trên mạng xã hội mấy hôm này là chuyện một cô giáo dạy tiếng Anh ở Hà Nội xưng hô mày, tao, chửi học viên một cách thô bỉ, thậm tệ: “Đồ giẻ rách”, “Đồ mặt người óc lợn”, “Cút”… Học viên chẳng kém cạnh, đáp trả.

Nghe đoạn hội thoại, không ít người cứ ngỡ những từ ngữ đó như giữa đường, giữa chợ chứ không phải thốt ra trong một lớp học.

Những lời lẽ của cô giáo được “chế” thành những bức tranh, những câu chuyện hài hước được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội.

Và trong những câu chuyện trà dư tửu hậu, thậm chí ngay cả trong lớp dạy học thêm tiếng Anh ở trên địa bàn tỉnh, không ít thầy cô giáo đã “chế” những câu nói sỗ sàng, thô bỉ của cô giáo này: “Sân chơi này là của tao, luật này là của tao…” như một cách đùa vui, giải tỏa không khí căng thẳng của những buổi học cuối năm.

Không ít người đã thốt lên rằng, những tưởng chuyện giáo viên quỳ xin lỗi phụ huynh, học sinh là chuyện buồn chẳng thể nào buồn hơn, thì nay lại thêm thầy chửi trò, trò chửi thầy. Dẫu biết là trung tâm dạy ngoại ngữ, nhưng cũng như trường học, thầy phải ra thầy và trò phải ra trò. Và khi thầy không giữ được phẩm chất cao quý của nghề làm thầy thì cũng khó mà được trò trân trọng.

Thầy chửi trò, trò chửi thầy; thầy đánh trò, trò đánh thầy; thầy đánh chửi thầy; học sinh tiểu học bị thầy giáo dâm ô; cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng; cô giáo tra tấn tinh thần học sinh bằng cách lên lớp suốt mấy tháng trời không nói… Bao nhiêu chuyện bạo hành học đường khác xảy ra trong thời gian gần đây khiến nghề cao quý trong những nghề cao quý trở nên vẩn đục.

Chẳng nói đâu xa, mới đây, ngay trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra những chuyện: cô giáo mầm non đánh trẻ đến bầm tím, thầy giáo bị hiệu trưởng đánh đuổi giữa đêm khuya…, như góp thêm những nốt lặng cho ngành giáo dục thời gian gần đây. 

Những câu chuyện buồn này vẫn biết mang tính cá biệt, vẫn biết “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng cũng như một dấu lặng khiến nhiều người suy ngẫm. Chỉ mong sao những chuyện buồn này giảm dần, ít xảy ra mà thôi.

2. Bản chất của giáo dục là hình thành cho người học những giá trị chân, thiện, mỹ. Nói cách khác, dưới sự dẫn dắt, định hướng của người thầy, trò dần loại bỏ cái gian dối, giả tạo, cái ác, cái xấu… bằng con đường tự lĩnh hội, tự trải nghiệm, suy ngẫm, điều chỉnh từ những điều đã được dạy, được học.

Nhưng, nếu thầy chưa phải là tấm gương, chưa đủ tâm và tầm thì cũng khó mà “trồng người”, khó mà dẫn dắt, định hướng trò bước đến cái hay, cái đẹp, loại bỏ cái xấu, cái ác. Trò khi đó cũng khó mà ra trò. Trò từ có những lời nói, thái độ nhục mạ thầy cô, đến có những hành động đau lòng: bóp cổ cô giáo, đâm trọng thương thầy giáo, cãi nhau tay đôi với cô giáo…

Một đồn mười, mười đồn một trăm, những câu chuyện buồn của nghề giáo lan truyền một cách chóng mặt đã khiến cho những nghi ngờ, phê phán, thậm chí là cách nhìn quá khích về nghề giáo ngày càng nhiều hơn. Không vơ đũa cả nắm, nhưng niềm tin vụn vỡ vào uy tín, đạo đức nghề giáo đã khiến cho nhiều người, thậm chí cả phụ huynh, cả học sinh đang theo học thiếu đi sự tin yêu, kính trọng

Chúng ta đang nỗ lực đưa Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” vào thực tiễn cuộc sống. Và theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học sẽ bắt đầu áp dụng từ năm học 2019-2020. Trong hành trình đổi mới đó, vai trò của người thầy không chỉ còn là truyền thụ kiến thức mà còn phải là người cố vấn, tổ chức, hướng dẫn giúp đỡ cho học sinh tự học, tự tìm hiểu. Chất lượng đội ngũ giáo viên hay nói cách khác người thầy có ảnh hưởng rất lớn đến đổi mới giáo dục.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện nay đội ngũ giáo viên vẫn đang thiếu cục bộ ở vùng sâu, vùng xa; cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý; một bộ phận không nhỏ năng lực thực tiễn chưa đáp ứng yêu cầu dạy học; công tác bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên chưa được thực hiện một cách cơ bản. Hơn nữa, một số cán bộ, giáo viên chưa bắt kịp yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, chưa khắc phục được lối dạy học “truyền thụ một chiều," chưa vận dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh… Thậm chí, vẫn còn những người thầy lấy “bún mắng, cháo chửi”, uy hiếp, đánh đập làm phương châm giáo dục như những câu chuyện đau lòng đã xảy ra thì những đổi mới trong giáo dục khó mang lại kết quả như mong đợi.

Không để “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến nhiều người có cách nhìn tiêu cực về nghề giáo, Chỉ thị 1737 nêu rõ những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo tùy theo mức độ và quy định, có thể cho tạm dừng giảng dạy, bố trí làm việc khác để chờ xử lý hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng làm việc.  

Điều mà mọi người, đặc biệt là phụ huynh, học sinh trên địa bàn tỉnh mong muốn, Chỉ thị sẽ sớm được các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện nghiêm, để tất cả các thầy cô giáo luôn tự ý thức, tự hoàn thiện và tự điều chỉnh hành vi cá nhân trước các tình huống giáo dục. Khi đó, thầy cô giáo xứng đáng là những "sư" - thầy - được nhà nước công nhận và "phạm" - là khuôn thước, là mẫu mực, là tấm gương sáng cho học trò noi theo.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác