Đạo đức người làm báo

21/06/2023 06:06

Báo chí có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và đòi hỏi người làm báo phải luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp.

Báo chí có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, góp phần định hướng dư luận, phản biện xã hội, là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Trong những năm qua, với đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững chắc, đội ngũ làm báo trong tỉnh luôn trung thành với Đảng, với dân, bằng ngòi bút sắc bén của mình, đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, kịp thời thông tin, phát hiện những nhân tố mới, mô hình hay, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận trong xã hội, giữ gìn khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh. Đồng thời tăng cường đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phê phán, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc, âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.

Đội ngũ những người làm báo Báo Kon Tum. Ảnh: D.Đ.N

 

Mỗi phóng viên, nhà báo trong tỉnh đã không ngừng sáng tạo, tìm tòi và phát hiện cái mới, cái đẹp và phản ánh một cách chân thực, sinh động về cuộc sống, lao động của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Báo chí tỉnh nhà đã góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên để tỉnh nhà ngày càng phát triển; phát huy những giá trị văn hoá, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để cùng cả nước thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp.

Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta vẫn xuất hiện một số ít người làm báo, những người cầm bút tự xưng là phóng viên, cộng tác viên của một số tờ báo ngành, tạp chí đã không tuân thủ đúng các tôn chỉ mục đích hoạt động của báo chí, vi phạm đạo đức người làm báo, gây bức xúc dư luận tại một số ngành, địa phương trong tỉnh, làm ảnh hưởng đến uy tín của đội ngũ những người làm báo trong tỉnh.

Qua theo dõi các buổi giao ban báo chí trong tỉnh và phản ánh của một số địa phương, đơn vị, cá biệt có một số người tự xưng là “phóng viên, cộng tác viên” có những hoạt động tác nghiệp không trong sáng, có những biểu hiện thiếu tính chất xây dựng, mà chỉ săm soi, bới móc những vi phạm của một số địa phương, doanh nghiệp, đơn vị. Những “nhà báo” này có biểu hiện phai nhạt về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, lợi dụng quyền hạn để hù dọa, vòi vĩnh nhằm mục đích vụ lợi cho cá nhân. Chính họ đã tự mình đánh mất uy tín, đạo đức nghề nghiệp bản thân, làm méo lệch hình ảnh người làm báo cách mạng Việt Nam. Bởi vậy, nhiều thông tin phản ánh không đúng bản chất sự vụ, sự việc, vấn đề đã ít nhiều gây nhiễu loạn thông tin, làm phân tâm và mất định hướng của người đọc, người nghe, người xem.

Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu thông tin ngày càng tăng; tiếp cận thông tin trở thành nhu cầu quan trọng trong xã hội hiện đại mà phương tiện để đem thông tin đến cho công chúng là báo chí, truyền thông. Do vậy, đòi hỏi người làm báo không thể xa rời tôn chỉ, đánh mất đạo đức nghề nghiệp.        

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác