Dấn thân để làm nghề

15/06/2017 13:02

“Sau này không bao giờ cho con đi theo nghề báo” – chị bạn của tôi quả quyết như vậy. Với hơn 10 năm làm mảng phóng sự, điều tra trong một tờ báo, chị bảo, nghề báo gai góc, lắm gian truân, người làm báo phải liên tục dấn thân vào hiểm nguy, thử thách.

Quả đúng vậy! Dù với bất cứ mảng đề tài nào, phóng viên vẫn phải dấn thân, đến thực tế để nắm bắt sự việc và phản ánh đúng sự thật. Có nhiều trường hợp, phóng viên phải vào vai, đối mặt với nguy hiểm để có những bài viết thực tế, kịp thời, định hướng dư luận xã hội.

Có lần, để làm một loạt bài về bằng giả, tôi và một chị phóng viên chuyên làm mảng phóng sự, điều tra đã phải trong vai người đi mua bằng, người đi bán bằng để tìm được đầu mối cung cấp bằng giả cũng như những đối tượng dựa vào bằng giả hợp thức hóa, giữ “chỗ đứng” trong các cơ quan, công ty.

Đợt đó, hai chị em phải lân la đi khắp các khu sinh viên, tìm cách tiếp cận với những “đại lý” cung cấp bằng; phải bỏ tiền túi cọc mua những tấm bằng; cẩn thận ghi âm tất cả những lời nói để làm bằng chứng. Thu thập đầy đủ những chứng cứ, chúng tôi lại phải chấp nhận va chạm, khéo léo “buộc” nhà chức trách lên tiếng về trách nhiệm trước sự việc.

Hay để làm được một ghi chép về việc xem bói, chính bản thân chúng tôi phải trong vai người đi xem, “đột nhập” vào các tụ điểm bói toán để lấy thông tin chính xác. Có những tụ điểm bói toán lớn được “ngụy trang” rất kĩ càng, “tai mắt” khắp nơi, chỉ cần sơ hở, phóng viên có thể gặp nguy hiểm.

Phóng viên phải đến vùng sâu vùng xa để có thông tin cho bài viết. Ảnh: B.A

 

Như lần đấy, để làm một loạt bài về bói toán, chúng tôi giả là sinh viên đi xem bói để lấy thông tin. Tại một tụ điểm, mới đến hẻm vào, chúng tôi đã bị một người giữ xe - là một trong những “tai mắt” của tụ điểm bói toán chặn lại. Nhanh trí vượt qua một loạt các câu hỏi ban đầu, chúng tôi mới được vào phía bên trong.

Người xem bói đông nghịt, chúng tôi lén bật máy ghi âm, “chớp thời cơ” cẩn thận chụp những tấm hình phản ánh. Cứ như thế, phải đi đến 4-5 tụ điểm, phải đối mặt với những nguy hiểm, phóng viên mới có được thông tin cho một bài báo.

Trước những vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người, để sự thật được phanh phui, nhà báo chấp nhận đối mặt với những nguy hiểm. Không hiếm những câu chuyện phóng viên bị túm cổ áo, đánh túi bụi, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng của bản thân và cả gia đình. Nhưng, tin vào điều tốt, tin vào sự nghiêm minh của pháp luật, nhà báo vẫn chấp nhận nguy hiểm, dấn thân để làm rõ các sự việc.

Có dấn thân, có đi đến và tìm hiểu, phóng viên mới thấy được những mảng sáng, tối trong cuộc sống. Dấn thân đòi hỏi lòng yêu nghề, nêu cao trách nhiệm xã hội, lòng dũng cảm, chấp nhận hy sinh và sự hiểm nguy rình rập bất cứ lúc nào. Nhưng dù vất vả đó, dù nguy hiểm đó nhưng được làm những việc có ích cho xã hội, đem lại điều tốt đẹp, nhận được sự ủng hộ của dư luận thì có niềm vui nào bằng.

Nhớ lại ngày ấy, vì thích tôi có một công việc yên bình, ít va chạm nên bố mẹ đã hướng tôi thi vào sư phạm văn. Thế nhưng, vì sở thích, vì đam mê, tôi đã giấu gia đình, lén đăng kí thi học ngành báo chí.

Đến nay, dù chỉ làm báo được vài năm, dù bắt đầu học cách dấn thân, học cách “làm nghề” nhưng tôi cũng phần nào nếm trải được những khó khăn, vất vả mà nghề báo đem lại. Có những lúc chùn bước, muốn ngưng việc, nhưng khi thấy bài báo được lên khuôn, mang đậm hơi thở của cuộc sống, niềm vui lại trở thành động lực. Đến giờ phút này, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được hiểu và được làm báo. Và tất nhiên, chính bản thân tôi phải trau dồi hơn nữa các kĩ năng, kinh nghiệm để tiếp tục dấn thân, làm việc một cách có trách nhiệm và yêu nghề.

Bình An

 

Chuyên mục khác