Dân làng Kon Tum Kơ Nâm sửa chữa nhà rông

17/08/2023 06:06

Những ngày qua, người dân làng Kon Tum Kơ Nâm, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) tích cực đóng góp công sức cùng chính quyền địa phương hoàn thành việc cải tạo và nâng cấp nhà rông truyền thống của làng. Nhà rông được sửa chữa đã dần hoàn thiện trong sự vui mừng và phấn khởi của bà con.

Ông Katta - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kon Tum Kơ Nâm cho biết: “Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, bà con góp công, sức, hỗ trợ một số công đoạn trong sửa chữa, cải tạo nhà rông, công việc bắt đầu từ tháng 7/2023. Trước đó vài tháng, bà con được chia thành 4 tổ để quản lý, phân công nhiệm vụ và đi tìm nguyên vật liệu. Đến khi sẵn sàng, bà con chọn ngày đẹp và tập trung tại nhà rông để bắt tay vào cải tạo, sửa chữa nhà rông của thôn. Mỗi người mỗi việc, ai nấy đều tự giác chọn cho mình những phần việc phù hợp để hỗ trợ, cùng nhau khẩn trương hoàn thiện nhà rông”.

Dân làng tập trung để đan, dệt cỏ tranh, mây tre. Ảnh: HT

 

Nhóm trưởng nhóm 4A Klyem (50 tuổi) cho biết: “Được sự đầu tư của Nhà nước, phần móng và những trụ chính bị hư hỏng đều được gia cố, làm mới bằng bê tông cốt thép cho kiên cố. Đối với phần mái lợp và sàn, bà con sẽ tự tay thiết kế, dùng các nguyên vật liệu tự nhiên. Trong suốt thời gian chuẩn bị sửa chữa nhà rông, bà con đều tạm gác lại công việc nhà, đồng áng để đi tìm nguyên vật liệu ở khắp nơi mang về. Ai cũng tự giác, phấn khởi và trách nhiệm với phần việc của mình”.

Được biết, trước đó nhà rông của làng do sử dụng nhiều năm nên đã xuống cấp, gây ảnh hưởng tới các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của bà con. Giờ đây, chứng kiến nhà rông được sửa chữa, dần hoàn thiện, ai nấy đều vui mừng.

Nhìn nhà rông mới dần hiện lên, A Khôi (28 tuổi) không giấu được niềm vui: “Khi nghe tin dân làng mình tiến hành cải tạo, sửa chữa nhà rông, dù đang đi làm ăn ở xa, nhưng em đã quyết định trở về để tham gia cùng với dân làng sửa chữa nhà rông. Để tìm được đủ các nguyên vật liệu tự nhiên, ngoài tìm kiếm ở gần, chúng em phải nhờ hỗ trợ từ bạn bè ở các địa phương khác, đi xa để khai thác và chở về. Giờ đây, nhìn nhà rông mới dần hoàn thiện với dáng vẻ sừng sững, trông rất đẹp mắt và có khoảng sân rộng lớn để trẻ em và thanh niên có chỗ vui chơi, dân làng có chỗ sinh hoạt cộng đồng, em thấy trong lòng rất vui, vì đã đóng góp công sức của mình vào việc sửa chữa nhà rông.

Nghệ nhân A Nưu (52 tuổi) - Đội trưởng đội chiêng làng Kon Tum Kơ Nâm cho biết: Khi nguyên vật liệu đã đủ, tôi huy động và giao nhiệm vụ cho các em nhỏ trong đội chiêng nhí hỗ trợ, phụ giúp người lớn. Tuy việc làm nhỏ nhưng các em sẽ thấy được ý nghĩa của nhà rông- nét văn hóa truyền thống của dân tộc để cố gắng giữ gìn, phát huy. Sắp tới, khi việc sửa chữa nhà rông hoàn thành, đội chiêng của làng sẽ tập dợt, biểu diễn mừng nhà rông mới.

Em Y Thương - học sinh lớp 5 Trường TH - THCS Đăk Rơ Wa cho biết: “Thời gian qua, chúng em được tập cồng chiêng, múa xoang tại trường cũng như tại thôn vào những dịp cuối tuần hoặc khi sắp có lễ hội. Trước đây, chúng em thường tập ở nhà của các nghệ nhân trong làng. Giờ đây có nhà rông mới, cả đội được thông báo sẽ có nơi tập mới, tập trung dưới mái nhà rông của làng”.

Nhà rông dần hoàn thiện trong sự vui mừng của dân làng. Ảnh: HT

 

Thôn Kon Tum Kơ Nâm hiện là thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS, có 139 hộ với 584 khẩu, trong đó có 7 hộ nghèo. Nhà rông của thôn bị hư hỏng và được hỗ trợ cải tạo, nâng cấp nằm trong kế hoạch đầu tư năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2025 với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng. Nhà rông được sửa chữa, khi hoàn thành đưa vào sử dụng có kết cấu bê tông cốt thép chắc chắn, nhưng vẫn đảm bảo nét truyền thống, với chiều cao gần 13m, chiều rộng 12m, sàn gỗ, lợp tranh, nứa và được trang trí hoa văn truyền thống.

Bà Y Khiêm - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết: “Cùng với phát triển kinh tế- xã hội, xã Đăk Rơ Wa rất chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của cộng đồng các DTTS trên địa bàn. Vì vậy, những năm qua, chính quyền địa phương luôn hỗ trợ kinh phí và huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ để giúp một số thôn, làng trên địa bàn sửa chữa, cải tạo nhà rông truyền thống. Sau khi các làng sửa chữa, cải tạo xong nhà rông, chúng tôi chỉ đạo các làng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, người dân tại thôn để có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ nhà rông và phát huy hiệu quả của nhà rông”.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác