Dân làng Kon Tum Kơ Nâm gói bánh tét đón tết

12/02/2018 07:00

Những ngày tết cận kề, dân làng Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) lại rộn ràng tổ chức “Ngày hội bánh chưng xanh”. Ai cũng háo hức, bởi đây là dịp mọi cùng ngồi lại với nhau gói những chiếc bánh chưng, bánh tét và cảm nhận bầu không khí ấm áp nghĩa tình khi mùa xuân về…

Năm nay, chương trình nấu bánh chưng, bánh tét ở làng Kon Tum Kơ Nâm được tổ chức sớm hơn năm ngoái. Sáng 22 tháng Chạp, bà con đã tập trung tại nhà rông của làng, cùng nhau gói bánh để kịp đến ngày hôm sau tổ chức lễ trao bánh cho từng hộ gia đình trong không khí rộn ràng sắc xuân, âm vang của tiếng cồng tiếng chiêng và điệu xoang nhịp nhàng...

Làng Kon Tum Kơ Nâm nằm ở khu vực nội thành Kon Tum. Do sống gần gũi và có sự giao thoa với văn hóa người Kinh nên từ xa xưa, một số hộ gia đình Ba Na nơi đây đã biết gói bánh chưng, bánh tét vào ngày tết. Tuy nhiên, việc làm này cũng không được duy trì đều đặn, chỉ diễn ra ở những gia đình có điều kiện về kinh tế, còn hộ gia đình khó khăn thì tết đến chỉ mua ít bánh kẹo đãi khách đến thăm nhà là xong.

Từ ngày có chủ trương của tỉnh triển khai “Ngày hội bánh chưng xanh” và được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, bà con đồng bào Ba Na ở làng Kon Tum Kơ Nâm ai cũng tham gia vào ngày hội; cùng chung tay gói những cặp bánh chưng, bánh tét, làm cho ngày Tết Nguyên đán thêm phần ý nghĩa hơn.

Bà con dân làng Kon Tum Kơ Nâm gói bánh chưng, bánh tét tại nhà rông

 

Là người có mặt tại nhà rông của làng thật sớm để lo liệu công tác chỉ đạo bà con làm bánh chưng, bánh tét, bà Giut - Thôn trưởng Kon Tum Kơ Nâm cho biết, chuẩn bị cho tết năm nay, làng được Nhà nước hỗ trợ 11 triệu đồng tổ chức “Ngày hội bánh chưng xanh”. Thôn cũng đã vận động các tổ chức, cá nhân và bà con nhân dân trong thôn đóng góp được hơn 4 triệu đồng để cùng mua thêm nguyên vật liệu làm bánh. Nhằm bảo đảm việc gói bánh chưng, bánh tét nhanh, kịp thời gian tổ chức ngày hội, bà con dân làng thống nhất chia làm 5 nhóm hộ, mỗi nhóm có từ 35-45 hộ gia đình để cử thành viên đại diện trực tiếp tham gia gói bánh.

Được bà con tín nhiệm bầu làm nhóm trưởng của nhóm 1 (gồm 36 hộ gia đình), ông A Đưih tranh thủ thời gian vào rừng chặt cây tre nứa để chẻ lạt, vận động bà con đi rừng lấy lá chuối, góp củi mang lên nhà rông để cùng nấu bánh chưng, bánh tét.

“Nhóm 1 được thôn phân về 70kg gạo nếp, 10kg đậu xanh và 5kg thịt heo. Bà con trong nhóm đã phân chia nhau gói bánh, đảm bảo để mỗi hộ gia đình trong nhóm có ít nhất 2 đòn bánh tét hoặc cặp bánh chưng như năm trước cho phấn khởi” - ông A Đưih vừa cặm cụi chẻ lạt vừa cho biết.

Tuy đã 75 tuổi lại hay bị đau lưng nhưng nghe tin làng tổ chức Ngày hội bánh chưng xanh, bà Bôk dặn dò đứa con trai đi rừng lấy ít củi và lá chuối về để chuẩn bị mang ra nhà rông đóng góp cùng với dân làng nấu bánh. Đúng ngày được thông báo tập trung ở nhà rông gói bánh, bà Bôk đã có mặt thật sớm để quét dọn sân nhà rông sạch sẽ cho chị em phụ nữ trong làng ngồi gói bánh.

Bà Bôk phấn khởi cho biết, bà biết gói bánh tét từ hồi còn trẻ. Nhưng sau này, đất rẫy bạc màu không trồng được gạo nếp nên cũng ít có điều kiện để gói bánh vào mỗi dịp “tết đến xuân về”. Mấy năm nay, có Ngày hội bánh chưng xanh do Nhà nước hỗ trợ và các đơn vị đóng góp nên dân làng rất phấn khởi.

Theo bà Bôk, cách thức và kỹ thuật gói bánh chưng, bánh tét là cả một nghệ thuật. Bởi để làm nên những chiếc bánh ngon phải cộng hưởng nhiều yếu tố, đó là các loại nguyên liệu làm bánh như gạo nếp, thịt heo, đậu xanh và các loại gia vị phải ngon; cách quấn lá và buộc lạt phải chắc tay; việc canh lửa và châm nước cho nồi bánh phải thường xuyên và đều đặn…

“Biết là thế hệ con cháu trong làng còn có nhiều người chưa biết làm bánh hoặc mới học cách gói bánh nên gói cũng chưa rành nên già phải đến sớm để chỉ bảo cho các cháu” - bà Bôk bộc bạch.

Trong số đại diện những hộ gia đình ở làng Kon Tum Kơ Nâm đến nhà rông gói bánh chưng, bánh tét đón tết, có những cô gái Ba Na trẻ tuổi dù chưa gói bánh lần nào cũng rất vui và háo hức khi được đến đây tham gia, học hỏi kinh nghiệm của người lớn.

Lần đầu đến nhà rông gói bánh, Y Hnhưm (22 tuổi) cũng lo lắm vì chưa biết gói bánh chưng, bánh tét bao giờ. Thế nhưng, sau khi đến đây, được các cô, các bà chỉ dạy, cô gái này không chỉ nhanh chóng bó được những đòn bánh tét khá tròn trịa mà còn được đánh giá là cột lạt rất chắc tay.

Y Hnhưm khoe những chiếc bánh chưng, bánh tét lần đầu gói được

 

Trong không khí rạo rực của mùa xuân, thật ấm áp và hạnh phúc khi chứng kiến những chiếc bánh chưng, bánh tét thơm lừng được trao tận tay cho từng hộ dân ở các làng đồng bào DTTS, giúp mỗi hộ dân nơi đây có được đón cái tết đầy ý nghĩa.

          Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác