Đam mê “thổi hồn” vào gỗ

18/10/2023 06:04

Bằng đôi tay khéo léo cùng trí tưởng tượng phong phú của mình, nhiều năm qua hàng nghìn mẫu gỗ “đầu thừa đuôi thẹo” đã được anh Tăng Văn Thuận (sinh năm 1989, trú xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) “thổi hồn”, để rồi cũng “biết nói, biết cười”.

Chúng tôi tìm về nhà anh Thuận khi nắng chiều đã nhuộm vàng khắp sân nhà. Trước hiên, anh Thuận đang miệt mài chạm trổ từng đường nét trên khối gỗ thô ráp. Dù mới hình thành những đường nét sơ khai nhưng không quá khó để nhận ra anh đang tạc hình hài người mẹ địu con.

Năm nay mới 34 tuổi nhưng anh Thuận đã có hơn chục năm kinh nghiệm với nghề điêu khắc gỗ, đó là cả một hành trình mày mò, bền chí theo đuổi nghề. Anh Thuận kể, trước đây anh là thợ làm thuê cho một tiệm điện cơ trong xã. Năm 2008, trong một lần đi giao hàng, anh tình cờ thấy vị khách của mình đang điêu khắc trên gỗ, tò mò anh dừng lại ngắm nghía, tìm hiểu rồi bắt đầu làm theo. Không đủ kinh phí để mua đồ nghề, anh tìm tới tiệm phế liệu mua sắt vụn rồi chế thành cây đục. Để có nguyên liệu, anh sưu tầm các gốc nhãn, mít rồi bắt đầu thử sức với những đường đẽo, đục đơn giản. Niềm đam mê với nghề được nhen nhóm từ đây.

Từ thân gỗ sần sùi, anh Thuận đã biến thành một sản phẩm điêu khắc nghệ thuật. Ảnh: TH

 

Nhận thấy bản thân yêu thích điêu khắc gỗ, đầu năm 2012 anh Thuận quyết định nghỉ công việc hiện tại để đến một xưởng mộc trong xã vừa học vừa làm. Nhờ được rèn thực tế cùng sự chỉ dẫn tận tình từ những người giàu kinh nghiệm, những tác phẩm thô sơ đầu tiên của anh ra đời trong niềm hạnh phúc. Khi đã thạo nghề và có một ít vốn, anh Thuận quyết định đầu tư mua sắm thiết bị và tách ra làm nghề.

Ngay từ lúc bắt đầu với nghiệp điêu khắc, anh Thuận đã xác định không chọn nguyên liệu gỗ quý, gỗ rừng. Vì thế, những bức tranh, tượng gỗ với nhiều kiểu dáng khác nhau của anh đều được làm từ gỗ mít, nhãn thậm chí là máng heo, cột nhà, thuyền độc mộc, cột tiêu, thớt, cối giã gạo.

Theo anh Thuận, nghề điêu khắc cần sự khéo léo, óc sáng tạo và đôi mắt nghệ thuật. Trước khi lựa chọn đề tài cho bức tượng, người thợ phải chọn cho mình một khối gỗ phù hợp với đề tài đó. Nhìn vào khúc gỗ, những đường nét sơ khai lập tức hiện hữu và người thợ biết mình sẽ phải bắt đầu từ đâu. Đặc biệt, bản thân người thợ phải biết sáng tạo những sản phẩm dựa theo hình dạng, màu sắc, khối u, lỗ thủng trên từng khối gỗ, từ đó tạo ra những chi tiết sống động như thật.

“Người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ điêu khắc là nghề khó theo đuổi nhưng không khó với những ai có niềm đam mê. Bản thân tôi có nghề cũng nhờ đam mê và ham học hỏi mới có ngày hôm nay. Vì vậy, tôi luôn mong muốn được truyền nghề cho những người có tâm huyết, lòng đam mê và năng khiếu để nghề điêu khắc vững vàng tồn tại và phát triển” – anh Thuận nói.

Một trong số sản phẩm mà anh Thuận yêu thích. Ảnh: TH

 

Từ bàn tay, khối óc của mình, hơn 10 năm qua anh Thuận đã cho ra đời gần 2.000 pho tượng, bức tranh với đầy đủ đề tài như thiên nhiên, con vật, đời sống cộng đồng. Chủ đề được anh Thuận ưu ái hơn cả là nét đẹp của đồng bào DTTS ở Kon Tum. Đó là hình ảnh người phụ nữ mang gùi lên rẫy, người mẹ địu con hay chân dung những già làng. Với mỗi chủ đề, các pho tượng, bức tranh của anh Thuận luôn có những nét chấm phá riêng biệt, chuyển tải nội dung mang ý nghĩa khác nhau. Nhờ vậy, các tác phẩm của anh được nhiều người yêu thích và đặt mua với giá từ vài trăm đến vài chục triệu đồng.

Bên cạnh việc chế tác, nhiều năm qua, anh Thuận còn tận tình chỉ dạy cho hàng chục người có đam mê điêu khắc. Không những thế, mỗi năm anh đều bán đi từ 3-5 sản phẩm để có kinh phí hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn tại huyện Kon Rẫy và Kon Plông. Đặc biệt, vào tháng 1/2024 tới đây, anh Thuận sẽ mở một lớp điêu khắc miễn phí cho người đồng bào DTTS tại huyện Kon Plông, nhằm giúp họ có việc làm, kiếm thêm thu nhập.

Ông Đặng Tuấn Tịnh – Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: “Hoạt động sưu tầm, chế tác của anh Thuận là một hình thức nghệ thuật góp phần làm cho văn hoá địa phương thêm phong phú, đặc sắc. Để động viên, khích lệ thời gian tới địa phương sẽ giới thiệu sản phẩm của anh Thuận đến đông đảo người dân trong xã và một số địa phương lân cận”.                          

Thu Hiền

Chuyên mục khác