09/05/2023 06:09
Ngày 13/4/2023, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1076/KH-BCĐ triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” diễn ra từ ngày 15/4- 15/5/2023.
Trong tháng cao điểm này, cùng với các hoạt tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng còn tăng cường kiểm tra, giám sát về việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đối với tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo đó, tuyến tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành và 2 đoàn kiểm tra chuyên ngành an toàn thực phẩm kiểm tra 261 cơ sở kinh doanh. Kết quả, các lực lượng chức năng phát hiện 3 cơ sở vi phạm, tiêu hủy 2 loại sản phẩm vi phạm.
|
Các huyện, thành phố thành lập 11 đoàn; các xã, phường, thị trấn thành lập 86 đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm. Lực lượng chức năng các huyện, xã đã kiểm tra được 1.303 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, qua đó, phát hiện 147 cơ sở vi phạm, góp phần ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Trong quá trình kiểm tra, các cơ quan chức năng còn kết hợp tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đề cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao đến với người tiêu dùng.
Các hoạt động này cho thấy, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được các cấp, ngành chức năng quan tâm thực hiện. Kiến thức của người dân, các nhà quản lý và sản xuất về thực phẩm cũng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, từ kiến thức sang hành vi vẫn còn một khoảng cách rất lớn, an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp.
Trên thực tế, hầu hết các nhà sản xuất đều hiểu thế nào là thực phẩm an toàn và làm thế nào để có thực phẩm an toàn nhưng vì lợi nhuận, nhiều trường hợp vẫn cố tình vi phạm. Người sản xuất, kinh doanh sẵn sàng cho những chất độc hại vào thực phẩm để tăng lợi nhuận, bất chấp những nguy cơ, cảnh báo về sức khỏe. Hoặc, tìm cách lách luật, né tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng để đưa những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn ra thị trường.
Bên cạnh đó là thói quen tiêu thụ thực phẩm dễ dãi của một bộ phận người tiêu dùng, chỉ quan tâm đến giá cả, sự tiện lợi mà chưa kiên quyết tẩy chay sản phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc hay từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn. Chưa quan tâm đến việc khiếu nại, tố giác các hành vi, vi phạm...Vì thế, ngộ độc thực phẩm xảy ra ở nhiều nơi. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 23 ca ngộ độc thực phẩm.
Việc quản lý và kiểm soát thực phẩm chủ yếu theo kiểu làm “ngọn”, thả “gốc”, tức là chủ yếu kiểm soát ở khâu bán lẻ, còn buông lỏng khâu sản xuất. Chỉ đến khi xảy ra sự cố thì các cơ quan chức năng mới tá hỏa đi tìm nguyên nhân rồi phân tích, mổ xẻ, quy trách nhiệm...Nhưng đó là những trường hợp ngộ độc xảy ra và thấy rõ hệ quả, còn những hệ lụy ảnh hưởng do thực phẩm độc hại thì chúng ta không nhìn thấy được nhưng chúng vẫn âm thầm gây hại cho cơ thể.
Vì vậy, việc đảm bảo an toàn thực phẩm cần được duy trì thường xuyên, liên tục, tránh tư duy khẩu hiệu và không phải đợi đến “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” mới vào cuộc theo kiểu phong trào. Công tác quản lý, thanh tra, kiểm soát, tuyên truyền cần thực chất hơn để tránh tình trạng nhà sản xuất, kinh doanh có tư tưởng đối phó với các loại giấy tờ thủ tục trong thời gian cao điểm mà chưa thật tâm đầu tư vào chất lượng sản phẩm và có trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng.
Để công tác đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ dừng ở khẩu hiệu, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả cơ quan chuyên môn, nhà quản lý, chính quyền địa phương. Cùng với đó là phát huy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về vấn đề này.
Thiên Hương