Đăk Tô: Triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết

26/07/2020 13:00

Các năm trước, Đăk Tô là địa phương thường xảy ra các ổ dịch sốt xuất huyết lớn nên ngay từ đầu mùa mưa năm 2020 (thời gian thường xảy ra dịch sốt xuất huyết Dengue), chính quyền các cấp và ngành Y tế huyện Đăk Tô tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh xảy ra.

Theo giới thiệu của cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô, chúng tôi về xã Tân Cảnh - một trong những địa phương đang có dịch sốt xuất huyết để tìm hiểu công tác phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng.

Chị Vũ Thị Nguyệt ở thôn 4, xã Tân Cảnh - một trong hơn 30 ca bệnh sốt xuất huyết của địa phương vừa được chữa trị khỏi tâm sự: Trước đó, gia đình có nuôi cá cảnh trong bể nhưng đến khi kiểm tra thì cá trong bể đã chết gần hết. Vì bận rộn nên gia đình lại lơ là không đổ nước đi, đây là môi trường để lăng quăng/bọ gậy sinh sôi, muỗi phát triển là trung gian truyền vi rút Dengue gây ra bệnh sốt xuất huyết cho các thành viên trong gia đình. Sau này chúng tôi sẽ chú trọng hơn việc dọn vệ sinh môi trường xung quanh nhà, khi ngủ phải treo mùng để tránh muỗi đốt như khuyến cáo của các y bác sĩ.

Chị  Lê Thị Thanh - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Cảnh cho biết, để dập dịch sốt xuất huyết, quan trọng nhất vẫn là diệt lăng quăng/bọ gậy, không để xảy ra tình trạng nước đọng. Mọi người cần chú ý lật úp hoặc đậy nắp tất cả các dụng cụ chứa nước mưa hoặc nước sạch. Hơn 30 trường hợp mắc bệnh hiện giờ của xã chủ yếu tập trung ở những thôn của người Kinh sinh sống, còn những làng người đồng bào DTTS lân cận chưa có ca bệnh nào.        

Tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô, chúng tôi thấy nhiều người đến khám bệnh và đa số nhận được kết quả dương tính với sốt xuất huyết, phải nhập viện.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô chuẩn bị thuốc phun khử trùng. Ảnh: HT

 

Bác sĩ Hoàng Thu Thủy - Trưởng Khoa truyền nhiễm của Trung tâm Y tế huyện cho biết, hiện tại có một điều dưỡng của khoa cũng đã bị sốt xuất huyết và đang được điều trị. Vào thời điểm này, mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận khoảng 10 ca bệnh sốt xuất huyết nên đơn vị đang trong tình trạng thiếu giường bệnh trầm trọng; trước đây 1 phòng chỉ có 3 giường nhưng nay phải tăng lên 6 giường.

Theo nhận định của Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô, năm nay, nguy cơ bùng phát dịch rất cao, vì thời tiết mưa nắng thất thường. Bệnh tiếp tục phát triển ở những ổ dịch cũ trước đây như xã Diên Bình, Pô Kô, Tân Cảnh và có dấu hiệu lây lan sang những vùng kế cận.

Bác sĩ  Võ Văn Hùng - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế huyện) giải thích, cách tốt nhất để phòng bệnh là không cho muỗi vằn có cơ hội phát triển và lây lan vi rút. Mọi người hay chủ quan rằng chỉ những nơi cống rãnh, mất vệ sinh mới là địa điểm sinh sôi của muỗi. Nhưng thực chất, chúng chỉ cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày ngay trong chính ngôi nhà của chúng ta. Nhiều trường hợp bệnh nhân còn chủ quan không đi khám mà tự điều trị tại nhà, dẫn đến bệnh chuyển biến nặng gây nguy hiểm và khó khăn khi điều trị.

Được biết, những năm trước số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Đăk Tô chỉ từ vài chục, thì gần đây có dấu hiệu tăng mạnh; số lượng nhiễm bệnh năm 2019 là 157 ca, dự kiến năm 2020 số lượng tối thiểu là 200 ca.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của huyện Đăk Tô, ngành Y tế đã kịp thời hướng dẫn để chính quyền các địa phương trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch. Theo đó, các trạm y tế cử trực tiếp cán bộ đến tận nơi các vùng có nguy cơ để xác định rõ các chỉ số mầm bệnh, từ đó đề ra biện pháp xử lý chính xác và kịp thời;  từ 7-10 ngày  tùy theo chu kỳ sinh trưởng của muỗi sẽ cử cán bộ  đi đến từng nhà, từng ngõ để kiểm tra. Để phòng dịch hiệu quả nhất vẫn phải dựa vào ý thức người dân. Vì vậy, thời gian tới Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô sẽ chỉ đạo đội ngũ cán bộ y tế cơ sở chú trọng trong công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ và cùng chung tay ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, không để lan rộng.            

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác