Đăk Tô: Thực hiện có hiệu quả chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS

06/10/2023 13:05

Trong 2 năm qua (2021-2023), nhờ thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (viết tắt là chương trình MTQG), nên khoảng cách giữa các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đăk Tô dần được thu hẹp.

Tìm hiểu việc thực hiện Chương trình MTQG, chúng tôi được ông A Char trú tại thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm của huyện kể: Năm 2022, bằng nguồn vốn Chương trình MTQG, UBND xã hỗ trợ gia đình tôi 100 cây giống mắc ca trồng xen với cây dứa và tham gia vào tổ hợp tác liên kết trồng và tiêu thụ mắc ca. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ phụ trách nông nghiệp xã và Tổ hợp tác liên kết, nên sau 1 năm, cây mắc ca và cây dứa sinh trưởng và phát triển tốt.

Ông A Thiếu trú tại thôn Đăk Tông, xã Ngọc Tụ chia sẻ: Năm 2022, UBND xã hỗ trợ cho gia đình bò giống sinh sản để phát triển chăn nuôi. Sau hơn 1 năm chăm sóc, đến nay, bò mẹ đã đẻ được một con bò con. So với nuôi các loại gia súc khác, thì nuôi bò rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Gia đình đang cố gắng chăm sóc tốt đàn bò để phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Thành Luân- Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tụ cho biết: Xác định Chương trình MTQG là cơ hội để xã phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, trong 2 năm qua, UBND xã đã tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn và hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS theo phương châm hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và sát thực với tình hình thực tế của mỗi gia đình. Nhờ vậy, đến nay, đời sống đồng bào DTTS của xã đã có sự thay đổi căn bản, thu nhập bình quân đầu người trên 40 triệu đồng. Toàn xã còn 153 hộ nghèo, chiếm 21,25% và 42 hộ cận nghèo, chiếm 5,83% so với tổng số hộ dân; xã đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới.

Thầy giáo Hoàng Minh Thịnh - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS xã Đăk Rơ Nga chia sẻ: Năm nay, bằng nguồn vốn Chương trình MTQG, nhà trường được UBND huyện đầu từ xây dựng nhà học bộ môn và các hạng mục phụ trợ. Trong đó, nhà học bộ môn có 4 phòng học 375,72m2, sân chơi bãi tập 709,9m2, sân đường nội bộ 815,3m2. Công trình này hoàn thành giúp giáo viên và học sinh nhà trường có điều kiện thuận lợi để học các môn Tin học, Hóa học, Sinh học, Vật lý, Công nghệ, Mỹ thuật. Qua đó, giúp học sinh hình thành các phẩm chất và năng lực cần thiết theo mục tiêu giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Võ Trọng Phúc cho biết: Dự án sắp xếp, ổn định dân cư tại chỗ xã Pô Kô được UBND huyện đầu tư 37,7 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn của Chương trình MTQG, với mục tiêu đầu tư xây dựng đường giao thông đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh, qua đó nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế du canh, du cư, di cư tự do; đồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn huyện.

Công nhân làm đường giao thông nông thôn xã Pô Kô, huyện Đăk Tô đảm bảo an toàn lao động. Ảnh: TVP

 

Kiên cố hoá trường học tại xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô. Ảnh: TVP

 

“Trong 2 năm, Chương trình MTQG bố trí vốn cho huyện hơn 90 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đó, UBND huyện hỗ trợ 32 hộ DTTS chuyển đổi do thiếu đất sản xuất, xây dựng 3 công trình nước sinh hoạt tập trung, giải quyết nước sinh hoạt cho 168 hộ, hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư cho 797 hộ, đào tạo nghề và tạo việc làm cho 300 người, giải quyết đất ở cho 1 hộ, nhà ở cho 4 hộ, cấp đất sản xuất và sinh kế cho 42 hộ, xây dựng 3 công trình văn hoá-thể thao thôn và 1 công trình trường học”- ông Phúc cho biết thêm.

Nhờ triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG, đến nay, một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động phát huy nguồn lực, tự đầu tư thêm kinh phí và tận dụng các thế mạnh sẵn có ở địa phương để thực hiện có hiệu quả các mô hình, dự án được Nhà nước hỗ trợ. Đồng thời, tích cực tham gia vào các tổ liên kết sản xuất, các hợp tác xã, nên đời của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã được nâng lên đáng kể. Đồng thời, huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã đạt 13-17/19 tiêu chí nông thôn mới. Tính đến đầu năm 2023, toàn huyện giảm còn 1.527 hộ nghèo (trong đó, 1.455 hộ nghèo DTTS), chiếm 11,83% so với tổng số hộ dân trong huyện, giảm 3,24% so với cuối năm 2021.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện chương trình MTQG ở huyện trong 2 năm qua cơ bản theo đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác