Đăk Tô: Phụ huynh bức xúc các khoản thu tiền đầu năm học

23/09/2019 06:01

Bước vào năm học 2019-2020 chưa đầy 1 tháng, hoạt động dạy và học tại các trường mới đi vào nề nếp. Vào thời điểm này, không ít gia đình phải chật vật lo các khoản nộp đầu năm cho con em mình. Thế nhưng, theo phản ánh của một số phụ huynh, tại Trường THCS 24/4 (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) nhà trường lại đặt thêm các khoản thu vô lý gây bức xúc cho các bậc phụ huynh có con em theo học tại trường này.

Mới đây, chúng tôi nhận được phản ánh của một số phụ huynh có con em theo học tại Trường THCS 24/4 xã Tân Cảnh cho biết nhà trường đề ra một số khoản thu bất hợp lý mà chưa được sự thống nhất của phụ huynh học sinh.

Sau khi nghe Trường THCS 24/4 xã Tân Cảnh thông báo về các khoản thu đầu năm học, bà N.T.C (phụ huynh học sinh lớp 6 ở xã Tân Cảnh) khá bức xúc về việc nhà trường đề ra nhiều khoản thu vô lý như vậy. Trao đổi với chúng tôi, bà N.T.C cho biết: “Đầu năm học nghe cô giáo chủ nhiệm đọc các khoản thu mà tôi thấy choáng, tổng cộng hơn 1,2 triệu đồng. Trong đó, vô lý nhất là khoản thu xã hội hóa với số tiền 250.000 đồng/học sinh để xây dựng nhà để xe, làm kệ sách cho học sinh. Trong khi đó, tôi đi tham khảo phụ huynh các trường học trên địa bàn huyện Đăk Tô thì không trường nào thu khoản này”.

Ngoài ra, bà N.T.C cho rằng, theo nguyên tắc, nhà trường phải xuất phiếu thu khi thu tiền của học sinh và người trực tiếp thu tiền là thủ quỹ hoặc kế toán nhà trường. Tuy nhiên, khi thu tiền, Trường THCS 24/4 chỉ đọc các khoản cho phụ huynh ghi bằng tay và cô giáo chủ nhiệm trực tiếp thu tiền.

Theo bà T.T.D (phụ huynh học sinh lớp 8) cho biết, năm học 2018-2019 Trường THCS 24/4 xã Tân Cảnh cũng triển khai các khoản thu dưới danh nghĩa “xã hội hóa giáo dục”, với lý do xây cổng trường, sân trường. Tuy nhiên cho đến nay sân trường và cổng trường chỉ có một phần nhỏ được xây mới (!?).

“Đầu năm, nhà trường phát cho mỗi cháu 1 đơn xin học thêm để phụ huynh điền tên xin cho con em mình tham gia học thêm; đơn xin học thêm được nhà trường soạn thảo sẵn, học phí học thêm mỗi tháng là 150.000 đồng/học sinh. Tuy nhiên, thực tế con tôi không có nhu cầu học thêm nên tôi có ý kiến lên cô giáo. Lúc này cô hiệu trường liền trả lời nếu không học thêm thì chuyển trường cho cháu đi nơi khác (!!!)”- bà D bức xúc.

Trường THCS 24/4, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô. Ảnh: VP

Để làm rõ việc bà T.T.D phản ánh, chúng tôi tìm gặp Ban Giám hiệu Trường THCS 24/4. Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh - Hiệu trưởng Trường THCS 24/4 cho biết, trường năm nay có hơn 399 em học sinh, trong đó có 181 học sinh người DTTS. Nhà trường không bắt ép các em đi học thêm mà chỉ khuyến khích các em đi học với mục đích nhằm nâng cao chất lượng; kể cả không đăng ký vẫn được tổ chức phụ đạo mà không phải nộp tiền.

“Không có việc tôi bắt ép học sinh đi học thêm. Nếu làm như vậy là không có đạo đức nghề nghiệp” -  bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh khẳng định dứt khoát với chúng tôi về chủ trương của nhà trường.

Một điều chúng tôi cứ mãi băn khoăn là, “như vậy việc phản ánh của bà T.T.D thiếu chính xác chăng?”. Câu hỏi này, theo chúng tôi, các ngành chức năng cần vào cuộc thanh tra, làm rõ.

Về việc thu tiền không ghi phiếu thu, xuất hóa đơn, bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh cho biết, nhà trường không chỉ đạo việc này. Việc thu tiền thì phải có phiếu thu mà không phải giáo viên chủ nhiệm thu. Đến nay (ngày 16/9 - thời điểm phóng viên làm việc với bà Oanh) nhà trường chưa thu các khoản nào!

Khi chúng tôi nêu vấn đề, “đã có nhiều phụ huynh nộp đầy đủ các khoản tiền nhưng không có phiếu thu và người thu là giáo viên chủ nhiệm” thì bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh nói chưa nắm được và sẽ kiểm tra, chấn chỉnh lại.

Bà Oanh cũng phủ nhận việc nhà trường huy động tiền xã hội hóa. Bà Oanh cho biết là các phụ huynh có nguyện vọng muốn làm nhà để xe cho con em mình nên họ tự nguyện đưa ra yêu cầu và mức thu. Tuy nhiên, do không trực tiếp thu được nên họ ủy quyền cho giáo viên thu. Sau khi giáo viên thu được sẽ công bố số tiền trước phụ huynh học sinh.

Chúng tôi đặt câu hỏi “vì sao chưa họp phụ huynh đầu năm học mà đã xác định được khoản thu xã hội hóa?” thì bà Oanh trả lời, “Ban đại diện cha mẹ phụ huynh cuối năm học 2018-2019 đã họp thống nhất, nhà trường không đưa ra mức thu”.

 “Đó mới chỉ là dự tính, nhưng có thực hiện hay không còn phụ thuộc vào mức độ tự nguyện của phụ huynh. Năm ngoái (tức năm học 2018-2019- pv) nhà trường cũng không có chủ trương huy động xã hội hóa; tuy nhiên, do kinh phí nhà nước chưa đủ để xây dựng, phụ huynh muốn tạo điều kiện tốt cho con em học tập nên tự nguyện đóng góp làm sân bê tông cho nhà trường”- bà Oanh nói.

Đây là tờ phiếu thu được giáo viên chủ nhiệm ghi cho phụ huynh học sinh. Ảnh: VP

Trái ngược với trả lời bà Oanh, một số phụ huynh phản ánh, nhiều năm nay, cứ mỗi năm nhà trường lại đưa ra một vài “khoản thu khác” với hình thức “tự nguyện” của phụ huynh với chủ trương là xã hội hóa một số khoản đóng góp. Nhiều trường hợp gia đình khó khăn, con em học trong trường không đóng thì sợ các cháu xấu hổ với bạn bè, nên phụ huynh đành vay mượn “đóng theo thiên hạ” mà trong lòng ấm ức.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Đăk Tô cho biết, hiện tại các khoản xã hội hóa, Trường THCS 24/4 chưa trình các văn bản cho Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện. Năm học 2018-2019, Trường THCS 24/4 xã Tân Cảnh tiến hành xây dựng sân trường một phần được huy động từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng chân trên địa bàn xã Tân Cảnh (?). Về các khoản thu năm học 2019-2020 nhà trường đang họp phụ huynh xin ý kiến, sau đó sẽ có phương án thu chi cụ thể trình lên Phòng Giáo dục - Đào tạo phê duyệt sau đó mới được thu. Hiện tại, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đăk Tô chưa phê duyệt bất cứ khoản thu nào.

“Về việc nhà trường chưa có phương án cụ thể nộp lên Phòng Giáo dục - Đào tạo mà đã thu, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, xem xét rồi thông báo cụ thể vụ việc. Việc dạy thêm học thêm trong nhà trường là theo nguyện vọng và phải có đơn của phụ huynh. Phụ huynh đồng ý thì mới tổ chức học, nhà trường không được bắt buộc” - ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định với chúng tôi về cách làm và quan điểm của lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đăk Tô.

Để tránh tình trạng lạm thu các khoản thu đầu năm học, ngày 26/8/2019, Sở Giáo dục - Đào tạo ban hành văn bản số 1104/SGDĐT-KHTC hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi trong cơ sở giáo dục - đào tạo năm học 2019-2020 gửi phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện, thành phố và các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn. Trong đó, hướng dẫn cụ thể các khoản thu chi về giá dịch vụ, dạy thêm học thêm, bảo hiểm y tế học sinh, về quỹ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, các khoản thu chi về huy động xã hội hóa…

Nội dung nêu rõ: “Nhà trường không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT. Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản thu phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho nhà trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới công trình của nhà trường…”.

Như vậy, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh kịp thời hướng dẫn rõ ràng cụ thể về việc thực hiện các khoản thu đầu năm học 2019-2020 nhằm tránh trường hợp lạm thu, tạo ra gánh nặng đóng góp của phụ huynh học sinh, giữ gìn sự lành mạnh của môi trường giáo dục và trên hết là uy tín của ngành Giáo dục - Đào tạo trước xã hội.

Việc một số phụ huynh ở Tân Cảnh phản ánh về những khoản thu đầu năm học 2019-2020 của Trường THCS 24/4 đúng hay sai như thế nào chưa rõ, vì vậy rất cần sự vào cuộc kiểm tra, kết luận của các ngành chức năng.

Văn Phương

Chuyên mục khác