Đăk Tô: Phát huy truyền thống, nỗ lực vươn lên

28/04/2023 13:22

Sau 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 51 năm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, Đăk Tô đã khắc phục những khó khăn của một huyện bị chiến tranh tàn phá nặng nề, phát huy cao độ tiềm năng, nguồn lực của địa phương, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội không ngừng được đầu tư, nâng cấp, diện mạo ở các khu dân cư ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao.

Sự chuyển mình của huyện Đăk Tô sau 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 51 năm chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh thể hiện rất rõ ở diện mạo của từng thôn làng, khu phố. Đến nay, 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa; đường về từng thôn, làng vùng sâu ở Đăk Tô đều được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 100% thôn làng có điện lưới quốc gia. Hệ thống trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho các em học sinh được đến trường, cho người dân được chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn. Nhà cửa của người dân đều được xây dựng kiên cố, trên địa bàn huyện chỉ còn 178 căn nhà tạm.

Các xã Diên Bình, Tân Cảnh, Kon Đào đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới vào các năm 2015, 2018, các xã còn lại đều đã đạt từ 12 tiêu chí trở lên. Các thôn làng trên địa bàn huyện cũng tích cực xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng thôn làng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS.

Đổi thay thị trấn Đăk Tô. Ảnh: H.N

 

Là xã bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, Kon Đào đã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Hiện nay, cùng với việc củng cố, nâng cao các tiêu chí đã đạt, Kon Đào đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và đến nay, đã đạt 9/19 tiêu chí và đạt 45/75 chỉ tiêu. Theo ông Nguyễn Thành Dược – Phó Chủ tịch UBND xã, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, đến nay, kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế, xã hội trên địa bàn xã được đầu tư khá đồng bộ, nhất là lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, trường học. Người dân luôn phát huy truyền thống quê hương anh hùng, chăm chỉ lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống gia đình ngày càng ấm no. Theo thống kê, đến cuối năm 2022, toàn xã còn 142 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,89%, giảm 7,73% so với năm 2021.

Cũng như ở xã Kon Đào, đời sống người dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đăk Tô ngày càng chuyển biến tích cực. Đến cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện Đăk Tô còn 1.527 hộ, chiếm tỷ lệ 11,83% so với tổng số hộ dân toàn huyện, giảm 3,24% so với cuối năm 2021 (trong đó có 1.455 hộ nghèo DTTS, chiếm tỷ lệ 22,46% so với tổng số hộ DTTS toàn huyện); còn 778 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,03% so với tổng số hộ dân toàn huyện (trong đó có 698 hộ cận nghèo DTTS, chiếm tỷ lệ 10,78% so với tổng số hộ DTTS toàn huyện).

Người dân Đăk Tô phát triển diện tích cây ăn quả. Ảnh: HN

 

Anh A Blút - Trưởng thôn Đăk Kang Peng (xã Diên Bình) cho biết, làng Đăk Kang Peng có 99% dân số là người Rơ Ngao. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, các hộ gia đình trong thôn được cán bộ về tận nhà hướng dẫn tham gia các mô hình phát triển kinh tế, được hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi, được tập huấn các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật nên mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho sản xuất. Các hộ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không còn trồng thuần cây lúa, cây mì mà đã chuyển sang trồng cà phê vối, cây ăn quả nên mang lại nguồn thu, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Những kết quả đã đạt được trong thời gian qua chính là nhờ huyện đã  huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân để khai thác mọi tiềm năng lợi thế. Ông Đặng Hoàng Nam- Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô nhấn mạnh: “Mặc dù vẫn còn không ít những khó khăn, nhưng truyền thống của quê hương và những thành quả đạt được trong thời gian qua chính là nền tảng để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Đăk Tô kế thừa, tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng huyện ngày càng phát triển”.   

Hà Nam

Chuyên mục khác