Đăk Tô nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia

26/02/2023 06:25

Thời gian qua, huyện Đăk Tô chú trọng sử dụng các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và phát huy nội lực để thực hiện công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; qua đó, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh trên địa bàn.

Trường Mầm non Vành Khuyên, xã Tân Cảnh hiện có 410 em học sinh theo học, trong đó gần 50% số học sinh là đồng bào DTTS. Nhằm mục tiêu hoàn thành các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, thời gian qua, nhà trường đã được ưu tiên hỗ trợ mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học.

Theo đó, từ năm 2021 đến nay, nhà trường được đầu tư trên 3 tỷ đồng để xây dựng mới các phòng học chức năng, hàng rào, khuôn viên; mua sắm các trang thiết bị cho phòng học Kidsmart, phòng thể chất, phòng mỹ thuật, nghệ thuật; nguồn kinh phí xây dựng từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn khác. Ngoài ra, nhà trường trích kinh phí chi thường xuyên để tu sửa hệ thống nước sạch, làm các bảng biểu, đồ dùng, đồ chơi, xây dựng môi trường học tập xanh, sạch, đẹp.

Phòng học Kidsmart tại Trường Mầm non Vành Khuyên, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô. Ảnh: T.L

 

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh- Hiệu trưởng Trường Mầm non Vành Khuyên chia sẻ: “Để đạt được tiêu chí trường chuẩn quốc gia mức độ 2 về tỷ lệ chuyên cần và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên đến các thôn, hộ gia đình tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp và nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ. Các năm học gần đây, tỷ lệ huy động trẻ từ 3-5 tuổi ra lớp của nhà trường luôn đạt 98-99%; số trẻ đảm bảo sức khỏe, cân nặng đạt 95%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình mầm non vào lớp 1 đạt 100%. Đến nay, nhà trường đã hoàn thành tất cả các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia mức độ 2”.

Trường THCS Nguyễn Du, xã Diên Bình được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2020. Năm 2022, nhà trường tiếp tục được hỗ trợ kinh phí 4,9 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Hiện tại, nhà trường có cơ sở vật chất khá đồng bộ, khang trang; có đầy đủ các dãy phòng học, dãy phòng bộ môn, khu nhà hiệu bộ, nhà đa năng, thư viện… đáp ứng tốt nhu cầu giáo dục 604 em học sinh của toàn trường.

Em Lê Trần Bảo Ngọc, học sinh lớp 9A, Trường THCS Nguyễn Du phấn khởi chia sẻ: “Chúng em rất vui vì được học tại một ngôi trường rất đẹp. Khuôn viên nhà trường được xây dựng sạch sẽ, thân thiện với môi trường, tạo niềm vui, sự hứng khởi cho chúng em mỗi ngày đến trường. Chúng em được học thêm các tiết thực hành của môn Lý, Hóa với đầy đủ trang thiết bị. Vào mùa mưa, chúng em vẫn tập thể dục bình thường, vì có khu nhà đa năng rất rộng”.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, xã Diên Bình đọc sách tại thư viện nhà trường. Ảnh: TL

 

Cô giáo Phạm Thị Hạnh- giáo viên Trường THCS Nguyễn Du cho biết: “Dưới sự chỉ đạo của nhà trường, đội ngũ giáo viên chúng tôi luôn có ý thức trong việc đổi mới để nâng cao chất lượng dạy học, áp dụng phương pháp lấy học sinh làm trung tâm. Đối với các học sinh học lực yếu, trung bình, chúng tôi tăng cường dạy phụ đạo, giúp các em nắm vững kiến thức căn bản của bài học. Ngoài ra, giáo viên tổ chức cho học sinh tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để tăng cường kỹ năng sống cho các em, tạo sự phấn khởi, thích thú cho các em khi đến trường”.

Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia trong thời gian qua đã góp phần thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số học sinh ra lớp, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Đăk Tô. Năm học 2021- 2022, số trẻ 6 tuổi huy động vào lớp 1 tại huyện Đăk Tô đạt tỷ lệ 100%; huy động học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt tỷ lệ 96,8%; huy động học sinh trong độ tuổi vào học THCS đạt tỷ lệ 96,5%.

Đến nay, huyện Đăk Tô có 25/30 trường chuẩn quốc gia ở bậc mầm non, tiểu học và THCS, đạt tỷ lệ 83,3%.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Tô cho biết: “Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Tô đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tất cả các trường trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn quốc gia. Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian đến, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục tham mưu với UBND huyện sử dụng các nguồn vốn của Trung ương và địa phương đầu tư cho giáo dục để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các trường khó khăn; tiếp tục bổ sung giáo viên, nhân viên để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia”.  

Tấn Lộc

Chuyên mục khác