Đăk Tô: Nhiều giải pháp giảm nghèo, nâng thu nhập cho người dân

05/05/2019 13:04

Với mục tiêu giảm nghèo và nâng thu nhập cho người dân, huyện Đăk Tô đã và đang chỉ đạo quyết liệt mỗi xã trên địa bàn thành lập ít nhất một vùng sản xuất tập trung để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi, bao tiêu một số sản phẩm chủ lực như mì, mía, cà phê... Đến nay, huyện cũng đã kết nối với các doanh nghiệp liên kết cùng người nông dân phát triển sản xuất.

Để giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng mức thu nhập cho người dân, trong những năm qua, huyện Đăk Tô đã vận động nhân dân trên địa bàn từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển diện tích cây công nghiệp dài ngày; chuyển đổi các diện tích đất trồng mì, đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cao su, cà phê…

Bên cạnh đó, huyện cũng đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực của địa phương với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để nâng cao giá trị nông sản; tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, thời gian qua, huyện đã tổ chức triển khai và thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho 2 sản phẩm mía và chanh dây (hỗ trợ sau đầu tư). Kết quả bước đầu cho thấy, nhà đầu tư đã có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các hộ dân tham gia liên kết thực hiện tốt quy trình kỹ thuật; cây mía, chanh dây sinh trưởng, phát triển khá tốt và chuẩn bị cho thu hoạch. Hiện, diện tích mía liên kết với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum là 19,1 ha và diện tích mô hình chanh dây liên kết với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quốc tế Thái An (tỉnh Đăk Nông) là 8,5 ha.

Ông Trương Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm cho biết: “Việc chuyển sang hình thức hỗ trợ sau đầu tư của huyện đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân, giúp người nghèo tự giác hơn trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ các mô hình được hỗ trợ, đến nay, nhiều gia đình trên địa bàn đã mạnh dạn vay vốn để phát triển cây cà phê nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Sau khi được Nhà nước hỗ trợ 5 sào cà phê mang lại nguồn thu nhập cao, năm nay, gia đình anh A Tin (ở làng Đăk Dring, xã Đăk Trăm) chuẩn bị trồng thêm 8 sào nữa để thoát nghèo bền vững. Điều đặc biệt, năm 2018, anh A Tin là 1 trong số 11 hộ gia đình tự đăng ký thoát nghèo ở xã Đăk Trăm.

Điển hình khác trong nỗ lực phát triển kinh tế gia đình ở xã Đăk Trăm là hộ gia đình anh A Ninh (cũng ở làng Đăk Dring). Năm 2015, sau khi được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi diện tích đất trồng mì sang trồng 500 gốc cà phê cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng mì nên A Ninh đã quyết định trồng thêm 1.000 gốc cà phê để kinh tế gia đình khấm khá hơn.

A Ninh vui mừng nói: “Trước đây, do không biết cách làm ăn, chỉ quen với việc trồng mì nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ trồng cà phê, thu nhập gia đình tăng lên gấp nhiều lần, nên càng có động lực để phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế gia đình khấm khá hơn”.

Thăm vườn cà phê của anh A Ninh ở làng Đăk Dring, xã Đăk Trăm. Ảnh: TQ

 

Năm 2018, được chính quyền địa phương vận động, gia đình anh A Thân ở làng Tê Ô (xã Văn Lem, huyện Đăk Tô) đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng mì sang liên kết với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quốc tế Thái An để trồng 1 ha chanh dây. Sau khi vườn cây đã xuống giống, gia đình anh được hỗ trợ 50 triệu đồng để đầu tư chăm sóc. “Vụ đầu thu trái bói, vườn cây đã mang về nguồn thu cho gia đình gần 40 triệu đồng. Nhờ có sự liên kết với doanh nghiệp, mô hình trồng chanh dây của gia đình luôn được hỗ trợ về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, kể cả việc bao tiêu sản phẩm. Dự kiến, năng suất vườn chanh dây năm nay sẽ còn vượt hơn hẳn vụ trước, ước tính nguồn thu sẽ gấp hơn 2 lần so với vụ đầu” - anh A Thân phấn khởi.

Theo ông Lê Thành Thọ - Chủ tịch UBND xã Văn Lem, để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, địa phương đã vận động bà con nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, hiệu quả cây trồng trên một đơn vị diện tích; đồng thời vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết với doanh nghiệp trong trồng trọt và bao tiêu sản phẩm. Đến nay, Văn Lem đã thực hiện dồn đổi được một số diện tích lúa một vụ không đảm bảo nước tưới sang trồng mía, vận động một số hộ dân chuyển đổi trồng chanh dây và liên kết với một số doanh nghiệp để trồng mì... Bên cạnh trồng trọt, địa phương còn vận động người dân phát triển chăn nuôi trâu, bò để phát huy hết lợi thế, tiềm năng của địa phương, giúp cho bà con có nguồn thu nhập ổn định.

Hiệu quả bước đầu của các mô hình kinh tế đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Đăk Tô. Theo thống kê của huyện, hiện nay, các xã trên địa bàn huyện còn 1.192 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,73%, (đã trừ các hộ nghèo bảo trợ xã hội không có khả năng lao động) và hộ cận nghèo là 844 hộ, chiếm tỷ lệ 10,28%; thu nhập bình quân đầu người tại vùng nông thôn của huyện đạt gần 25 triệu đồng/năm, tăng hơn 6 triệu đồng so với năm 2016.

Ông Tưởng Văn Khanh -  Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô cho biết, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2018 trên địa bàn huyện Đăk Tô là hơn 124 tỷ đồng, trong đó tổng kinh phí thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất hơn 10,4 tỷ đồng.

Để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đối với các vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, trong năm 2019, UBND huyện Đăk Tô đã hỗ trợ kinh phí cho các xã, thị trấn để liên kết với Nhà máy cồn và tinh bột sắn Đăk Tô thực hiện hỗ trợ đầu tư thâm canh giống mì mới gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm cho người dân.

Ông Tưởng Văn Khanh cho biết thêm, hiện tại, huyện Đăk Tô đang tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo để giúp bà con nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác thông qua các mô hình sản xuất, tăng năng suất cây trồng; đồng thời phấn đấu thành lập các tổ hợp tác liên kết sản xuất tại các vùng nông thôn, từng bước chuyển đổi theo hướng sản xuất thị trường.

“Đối với lĩnh vực phát triển sản xuất, huyện chỉ đạo trong năm 2019 mỗi xã phải thành lập ít nhất được một vùng sản xuất tập trung để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi, bao tiêu sản phẩm một số sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện như mì, mía, cà phê. Trên cơ sở quy hoạch đó, bước đầu huyện cũng đã kết nối với một số doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho người dân, tạo nguồn thu ổn định cho người dân trong sản xuất” - ông Khanh nói.

Tú Quyên

Chuyên mục khác