Đăk Tô: Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS

23/09/2023 07:09

Qua 2 năm (7/2021-7/2023) thực hiện Chương trình số 22-CTr/HU, ngày 21/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ XVII “về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS đến 2025, định hướng đến năm 2030” (viết tắt là Chương trình số 22-CTr/HU), nhiều chỉ tiêu chưa đạt, đòi hỏi phải phấn đấu nhiều hơn nữa để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo đánh giá, qua 2 năm thực hiện Chương trình số 22-CTr/HU, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền một số địa phương trên địa bàn huyện chưa thường xuyên và chưa có tính đột phá; một số trường học chưa làm tốt công tác tham mưu cấp thẩm quyền trong việc chỉ đạo, lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội đối với việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ chuyên cần để nâng cao chất lượng giáo dục.

Vì vậy, tính đến nay, tỷ lệ huy động học sinh DTTS dưới 3 tuổi bậc mầm non đến nhà trẻ tại một số địa phương của huyện còn thấp, có nơi tỉ lệ rất thấp như các xã: Diên Bình đạt 0,7%, Kon Đào đạt 2,1%.Đối với cấp THCS, tỉ lệ học sinh đi học chuyên cần hàng ngày ở một số xã chuyển biến chậm, vào một số thời điểm trong năm học tỉ lệ còn thấp, có xã học sinh bỏ học, rời khỏi địa phương đi lao động như ở các xã: Diên Bình, Pô Kô, Tân Cảnh, Kon Đào, Ngọk Tụ, Đăk Rơ Nga, Đăk Trăm, Văn Lem.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du thiết kế bìa sách trong Ngày hội đọc sách năm 2022. Ảnh: NH

 

So với mục tiêu Chương trình số 22-CTr/HU, học sinh DTTS cấp tiểu học được đánh giá hoàn thành chương trình lớp học ở một số xã như Tân Cảnh, Kon Đào, Đăk Rơ Nga, Đăk Trăm, Văn Lem và thị trấn Đăk Tô đạt 97,7%, chưa đạt trên 99,5%; học sinh DTTS được học Tin học từ lớp 3 trở lên đạt 65,13%, chưa đạt 100%; học sinh DTTS cấp THCS có học lực từ trung bình trở lên đạt 96,56%, chưa đạt 97%.

Qua khảo sát, kiểm tra chất lượng giáo dục, tỉ lệ học sinh DTTS có điểm dưới trung bình đối với 2 môn Toán và Ngữ văn cấp THCS còn thấp.  Đối với học sinh DTTS tốt nghiệp trung học phổ thông chuyển sang học nghề hàng năm chuyển biến chậm, đạt 33,16%, chưa đạt so với mục tiêu Chương trình số 22-CTr/HU đề ra 40%.

Toàn huyện vẫn còn 14 giáo viên mầm non, 36 giáo viên tiểu học, 9 giáo viên THCS chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo và còn thiếu giáo viên mầm non, tiểu học để thực hiện dạy 2 buổi/ngày. Riêng năm học 2023-2024, toàn huyện thiếu 245 giáo viên các cấp (119 giáo viên mầm non, 94 giáo viên tiểu học, 32 giáo viên THCS). Một số giáo viên hạn chế về năng lực chuyên môn, việc khai thác, sử dụng các phần mềm dạy học tiếp cận chậm, thiếu nhạy bén với việc đổi mới phương pháp dạy học. Đồng thời, giáo viên chưa được bồi dưỡng tiếng DTTS vẫn còn.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của nhà trường. Diện tích lớp học ở một số điểm trường lẻ còn hẹp, chưa có hàng rào kiên cố, sân chơi hẹp và chưa có sân chơi bê tông; có trường chưa có nhà vệ sinh, giếng nước, bếp ăn một chiều.

Tặng quà Trung thu cho học sinh Trường Mầm non xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô. Ảnh: NH

 

Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Huyện uỷ Đăk Tô chỉ đạo UBND huyện tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các tổ chức đảng, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương, đơn vị trường học để xây dựng, củng cố và phát triển mô hình bán trú dân nuôi, nhằm huy động có hiệu quả học sinh ra lớp, duy trì chuyên cần để nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tinh gọn. Huy động các nguồn lực và tiếp tục thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cơ sở vật chất các trường học vùng DTTS, thực hiện việc đổi mới chương trình sách giáo khoa và lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

Đặc biệt, đảm bảo đủ phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, các trang thiết bị phục vụ dạy học và các công trình vệ sinh, nước sạch phục vụ cho cán bộ, giáo viên và học sinh; nhà ở, nhà ăn và các thiết bị kèm theo phục vụ ăn, ở cho học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú. Chú trọng đầu tư cơ sở giáo dục mầm non để nâng cao tỷ lệ trẻ DTTS trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp.

Tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Triển khai kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh DTTS, nhà giáo công tác trong các trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn của huyện.              

Nguyên Hà                                                                                                

Chuyên mục khác