Đăk Tơ Lung: Khi "sức mạnh lòng dân" được phát huy

20/12/2017 07:03

​Với quyết tâm đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối năm 2018, Đảng bộ và chính quyền xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) tập trung chỉ đạo triển khai nhiều quyết sách táo bạo, mang tính đột phá, nhằm tạo ra những đổi thay tích cực về bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương…

Trong một chuyến công tác về Kon Rẫy, Bí thư Huyện ủy Kon Rẫy - U Huấn phấn khởi kể cho tôi nghe về chuyện xây dựng nông thôn mới ở xã Đăk Tơ Lung và người Bí thư Đảng ủy xã năng động, dám nghĩ, dám làm, được nhân dân hết lòng tin tưởng và quý mến.

Câu chuyện đã cuốn hút sự tò mò, khiến tôi muốn sớm trở lại Đăk Tơ Lung. Hiểu được sự háo hức của tôi, Bí thư Huyện ủy - U Huấn cùng tôi lên xe, thẳng một mạch về xã Đăk Tơ Lung để tôi "mục sở thị" những đổi thay của vùng đất này…

Biết trước mục đích chuyến "viếng thăm" của tôi nên khi gặp, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tơ Lung - Nguyễn Văn Thủy vào chuyện luôn: Nói thật với anh, chuyện xây dựng nông thôn mới ở đây ban đầu gặp nhiều khó khăn lắm, nhưng được cái bà con ở đây hết lòng ủng hộ, nên “cái khó” ban đầu cũng được giải quyết…

Do xuất phát điểm thấp, nên sau ngần ấy năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Đăk Tơ Lung mới đạt 13/19 tiêu chí. Xác định để xây dựng nông thôn mới thành công, trước hết phải được nhân dân hết lòng ủng hộ, Đảng ủy, UBND xã Đăk Tơ Lung đã đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu làm chuyển biến tích cực về nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới, từng bước khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tơ Lung - Nguyễn Văn Thủy cho tôi biết về cách làm của địa phương mình.

Sau khi tìm hiểu kỹ về điều kiện sản xuất của địa phương, để đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, xã Đăk Tơ Lung tích cực vận động nhân dân tham gia các mô hình phát triển kinh tế và triển khai, nhân rộng 9 mô hình sản xuất nông nghiệp, với nguồn kinh phí khoảng 925 triệu đồng (trong đó người dân đầu tư khoảng 670 triệu đồng) mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhân dân thoát nghèo nhanh như mô hình trồng nghệ đỏ, nuôi dê sinh sản, trồng bắp sữa, chuối mốc… được người dân hết lòng hưởng ứng.

Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn là một yêu cầu tất yếu trong việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới và đây cũng là "điểm nghẽn" lớn nhất trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, công tác tuyên truyền vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân được Đảng ủy, chính quyền xã Đăk Tơ Lung đặc biệt chú trọng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Qua vận động tuyên truyền, nhận thức của các tầng lớp nhân dân được nâng lên, người dân tích cực hưởng ướng, tự nguyện hiến đất, đóng góp hàng ngàn ngày công làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao tại các điểm dân cư và xóa nhà tạm. Riêng trong năm 2017, bằng nhiều nguồn vốn xã hội hóa và dân đóng góp, toàn xã Đăk Tơ Lung đã xây dựng được 60 căn nhà kiên cố với diện tích từ 40m2 trở lên, hầu như xóa toàn bộ nhà tạm trên địa bàn xã.

Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Văn Thủy nhiệt tình đưa chúng tôi đi tham quan các mô hình kinh tế của địa phương. Dọc đường đi qua các thôn Kon Keng, Kon Mong Tu, Kon Rá, Kon Vi Vàng… tôi được chứng kiến hình ảnh người dân xây dựng nhà kiên cố mà ngỡ như lạc vào một “công trường xây dựng” đang mùa thi công cao điểm. Đường vào các thôn ngổn ngang gạch, đá, xi măng, cát sỏi… do người dân xếp hai bên đường để xây dựng nhà, quyết tâm xóa hẳn nhà tạm, cũ nát mà bao đời nay người dân chưa có điều kiện.

Lãnh đạo huyện Kon Rẫy và xã Đăk Tơ Lung tham quan rẫy bắp sữa của người dân

 

Dừng chân tại khu vực rẫy trồng bắp (lấy thân và lá) làm nguồn thức ăn cung cấp cho dê sữa, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Thủy cho biết: Mô hình này mới được triển khai vào đầu năm 2017, hiện toàn xã đã có 7,9ha, nhưng trồng 1 năm/3 vụ và sản lượng 60 tấn/ha, giá 700đồng/kg, giúp bà con có thể thoát nghèo nhanh. Đất ở đây tươi tốt, phù hợp với cây bắp nên sản lượng trong tương lai còn vượt xa 60 tấn. Thời gian tới, xã sẽ vận động người dân giảm dần diện tích cây mì, để chuyển sang trồng bắp sữa…

Ngoài mô hình trồng bắp sữa, xã Đăk Tơ Lung là một trong những địa bàn nuôi dê đứng đầu huyện. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 1.100 con dê, trong đó đàn dê của xã Đăk Tơ Lung chiếm gần 500 con. Đây cũng là một hướng trong phát triển chăn nuôi, góp phần giúp bà con trong xã có thể thoát nghèo nhanh, thoát nghèo bền vững.

Xã Đăk Tơ Lung hiện đang triển khai nhân rộng, phát triển 2 mô hình chăn nuôi chính, có lợi thế tại địa bàn cho 98 hộ dân nghèo, với tổng nguồn kinh phí thực hiện khoảng 1.948 triệu đồng. Trong đó mô hình hỗ trợ, phát triển nhân rộng đàn dê lai tại chỗ cho 30 hộ, với số lượng 63 con/420 triệu đồng từ nguồn vốn của dự án giảm nghèo Tây Nguyên; mô hình chăn nuôi, phát triển đàn bò sinh sản cho 68 hộ nghèo, với số lượng 68 con/1.005 triệu đồng và thực hiện hỗ trợ một số mô hình khác 523 triệu đồng...

Về Đăk Tơ Lung được tận mắt chứng kiến cuộc sống đang từng ngày đổi thay, được nghe chuyện có người dân hiến hàng ngàn mét vuông đất để làm đường... tôi càng thấm thía câu nói: Khi ý Đảng hợp với lòng dân, thì chuyện gì cũng thông suốt...

Bài và ảnh: Dương Đức Nhuận 

Chuyên mục khác