Đăk Tô: Chuẩn bị các điều kiện, đáp ứng nhu cầu dạy và học

23/08/2019 06:03

Hiện nay, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Đăk Tô đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết, khắc phục những khó khăn, sẵn sàng cho năm học mới với sự quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm học 2019-2020.

Năm học 2019-2020, toàn huyện có 36 trường, với 13 trường mầm non, 14 trường tiểu học và 9 trường THCS. Năm học này, toàn huyện có khoảng 14.300 học sinh ở 3 bậc học, tăng 636 em so với năm học trước. Trong đó, ở bậc mầm non có 4.324 học sinh, bậc tiểu học có 6.259 học sinh và bậc THCS có 3.725 học sinh được chia thành 526 lớp (bậc mầm non 152 lớp, tiểu học 257 lớp, và THCS 117 lớp).

Nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất, đáp ứng nhu cầu dạy và học khi bước vào năm học mới, ngay từ cuối năm học 2018-2019, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Đăk Tô chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tiến hành rà soát, thống kê, đánh giá về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học để bố trí nguồn vốn đầu tư. Từ các nguồn vốn, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện tiến hành mua, cấp bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học bao gồm bàn đọc sách thư viện, bàn ghế ngồi đọc sách thư viện, bàn ghế làm việc, bàn ghế giáo viên...

Theo đó, toàn ngành Giáo dục - Đào tạo trên địa bàn huyện tiến hành đầu tư mới 245 bộ bàn ghế 2 chỗ ngồi cho học sinh, 10 bộ bàn ghế phòng hội đồng, bảng chống lóa (7 cái), thiết bị âm thanh (4 bộ), 55 bộ máy vi tính, 10 máy in, máy photocopy và các thiết bị như tủ chia thức ăn, tủ lạnh, tủ sách, tủ đựng chén bát... với tổng kinh phí hơn 1,774 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong dịp hè, từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục, nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Đăk Tô còn đầu tư xây dựng cổng, tường rào, sân bê tông cho 2 trường, đào mới 5 giếng khoan, sửa chữa 10 phòng học, 4 nhà vệ sinh, 1 nhà hiệu bộ cho các trường trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 5,194 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn huyện có tổng số 620 phòng học ở cả 3 cấp. Trong đó, tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố chiếm trên 99,8%, chỉ còn 2 phòng học nhờ...

Thầy và trò Trường Tiểu học Đăk Rơ Nga dọn vệ sinh chuẩn bị năm học mới. Ảnh: PN

 

Một điều rất mừng là năm học mới này Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã hỗ trợ vở và mũ cho học sinh thuộc 21 trường học nằm trong vùng cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện. Mỗi học sinh tiểu học được hỗ trợ 5 quyển vở, học sinh cấp THCS được hỗ trợ từ 7 đến 8 quyển vở. Tổng số học sinh được hỗ trợ là 9.318 em (tiểu học 5.777 em, THCS 3.541 học sinh). Ngoài ra, Công ty Honda Việt Nam tặng 1.393 mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 trên địa bàn toàn huyện.

Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đăk Tô chỉ đạo các trường trực thuộc cấp phát tiền cho học sinh thuộc diện được nhà nước hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ để học sinh mua sắm vở, sách giáo khoa kịp thời bước vào năm học mới. Đồng thời, tiến hành rà soát, tổng hợp gửi Sở Giáo dục - Đào tạo đề nghị tạm ứng hỗ trợ gạo 2 tháng đầu năm học 2019-2020 cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn cho học sinh yên tâm bước vào năm học mới.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đăk Tô cho biết: Để giải quyết tình trạng một số ít học sinh nghèo, học sinh DTTS chưa có sách giáo khoa chuẩn bị cho năm học mới, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện chỉ đạo các trường sử dụng sách giáo khoa trong thư viện nhà trường cho học sinh DTTS, học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn mượn để phục vụ việc học tập.

Trường THCS xã Ngọc Tụ huy động người dân dọn vệ sinh chuẩn bị năm học mới. Ảnh: PN

 

Một trong những khó khăn trong năm học này đối với huyện Đăk Tô là mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được đầu tư xây dựng bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng cho việc đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, cho công tác bồi dưỡng, phụ đạo học sinh; nhiều trường chưa được đầu tư xây dựng các phòng chức năng, nhà hiệu bộ, phòng học bộ môn; các trường còn thiếu thiết bị, đồ dùng dạy học; đội ngũ giáo viên, nhân viên cũng còn thiếu, chủ yếu ở bậc tiểu học...

Trong khi chờ nguồn đầu tư của Nhà nước, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện cũng tham mưu UBND huyện cho chủ trương, phân bổ kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường, nhất là đầu tư xây dựng các phòng chức năng, nhà hiệu bộ, phòng học bộ môn, công trình vệ sinh, nước sạch... phục vụ cho việc dạy và học; chỉ đạo các trường học, các thầy cô giáo tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đối với học sinh DTTS...  

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác