Đăk Tăng: Xuân này lại rộn tiếng chiêng ngân

17/02/2018 07:20

​Khoảng 10 năm về trước, “Khu 56 - Xóm bờ sông” thuộc xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy (thôn Đăk Tăng, xã Sa Nghĩa hiện nay) là trung tâm của tà đạo Hà Mòn. Một trong những đặc trưng nguy hiểm, phản động của tà đạo này là xúi giục người dân từ bỏ các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống như cồng chiêng, múa xoang, rượu cần…

Chúng tôi về thôn Đăk Tăng vào một buổi chiều muộn cuối năm. Từ điểm rẽ ki lô mét số 10 liên huyện lộ Sa Thầy - Đăk Tô, gặp tuyến đường bê tông nông thôn xuyên giữa những vườn cà phê. Gió lòng hồ Plei Krông thổi tràn lên, phả mùi hương dìu dịu của hoa đầu mùa. Từ đây nhìn xuống, Đăk Tăng như một bán đảo nhỏ nhô ra giữa mênh mông mặt nước.

Anh Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Sa Nghĩa cùng đi với chúng tôi hồ hởi chỉ tay về phía ven hồ: Những mảng xanh gần mép nước là cà phê cả đấy. Đất ở đây màu mỡ, lại sẵn nguồn nước tưới nên loại cây này phát triển nhanh lắm, mới hơn 3 năm tuổi nhưng tán đã sum suê mát mắt. Hiện 32 hộ trong thôn đã có thu hoạch bói, điển hình như nhà A Jap, A Ly, Y Toan…

Dân làng vui mừng đón nhận bộ chiêng do lãnh đạo huyện trao tặng

 

Quả thực, việc quan tâm thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế như hỗ trợ giống cây cà phê, giống bò sinh sản, dụng cụ đánh bắt cá… và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi của các cấp, ngành; cùng sự nỗ lực của người dân trong những năm qua, Đăk Tăng đang đổi thay từng ngày, việc thoát nghèo chỉ là vấn đề thời gian.

Giữa câu chuyện trên đường đi, bất chợt chúng tôi nghe thoảng tiếng cồng chiêng lúc trầm, lúc bổng. Càng đến gần, âm thanh rạo rực như được cộng hưởng, lan tỏa cả một vùng sông nước.

Anh Minh cho biết: Vừa qua, thôn Đăk Tăng được tỉnh và huyện quan tâm tặng một bộ chiêng tạo điều kiện để bà con giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần nâng cao đời sống tinh thần lành mạnh. Món quà này có ý nghĩa lắm, vì đã lâu rồi thiếu vắng tiếng chiêng, nhịp xoang trong các sự kiện của người dân nơi đây.

Đón chúng tôi ngay chân cầu thang, già làng A Nhum vồn vã nắm tay từng người mời vào bên trong nhà rông. Nhóm nghệ nhân có già, trẻ, gái, trai đang hăng say tập luyện, thấy khách đến đột ngột, mấy cô thanh nữ ngập ngừng bối rối.

Già làng A Nhum ra hiệu mọi người cứ tiếp tục rồi quay sang chúng tôi nói như giãi bày: Lâu rồi mới cầm lại cái dùi đánh chiêng nên đôi tay vụng về lắm, đôi chân cũng còn lạc nhịp vòng xoang. Phải tập lại thôi. Tập cho lớp trẻ và cho cả mình nữa. Để còn đi giao lưu với các thôn, làng khác và tham gia liên hoan cồng chiêng do huyện tổ chức nữa chứ.

Rồi ông cười rạng rỡ như kéo giãn các vết nhăn thời gian hằn sâu trên gương mặt thân thiện, nhưng hình như ẩn chứa sâu xa trong đáy mắt, vẫn thoáng nỗi buồn về một quãng thời gian “lạc nhịp”. Đó là những ngày đầy sóng gió, xảy ra với ông và người dân “Khu 56” hay còn gọi là “Xóm bờ sông” hơn 10 năm trước đây.

Năm 2005, khu tái định cư vùng ngập lòng hồ thủy điện Plei Krông được xây dựng. Trong đó thôn Kơ Tu, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy đón 134 hộ đồng bào dân tộc Ba Na (Rơ Ngao) về nơi ở mới.

Lợi dụng những khó khăn nảy sinh ban đầu về đất sản xuất, nước sinh hoạt…, chính quyền chưa kịp thời giải quyết thấu đáo, các thế lực thù địch tập trung kích động chống phá.

Đặc biệt là sự xuất hiện của tà đạo Hà Mòn, một số đối tượng giữ vai trò cốt cán xúi giục người dân không nhận nhà, không nhận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bỏ cả di sản văn hóa truyền thống cha, ông để lại như cồng chiêng, múa xoang, rượu cần...

Các đối tượng còn tung tin “Đức Mẹ hiện hình” để lôi kéo bà con dựng lều tạm sinh sống, hình thành “Xóm bờ sông” gồm 56 hộ, đêm đến đọc kinh cầu nguyện, mong ước một tương lai ảo vọng.

Cũng từ đó người dân nơi đây không còn được nghe tiếng chiêng linh thiêng đã bao đời gắn bó, không còn biết đến vòng xoang ngất ngây mời gọi mỗi dịp hội làng. Cuộc sống chui nhủi, đói rét, lạc lỏng và mặc cảm…

Để ổn định đời sống cho các hộ dân nơi đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng xây dựng khu tái định cư mới. Thôn Đăk Tăng chính thức được thành lập theo Quyết định số 365/QĐ-UBND, ngày 21/7/2014 của UBND tỉnh Kon Tum.

Trường học, nhà rông, 56 ngôi nhà cùng các công trình phụ trợ đã được xây dựng xong, kịp cho người dân đón Tết Nguyên đán Ất Mùi. Những nguyện vọng chính đáng được đáp ứng kịp thời, người dân yên tâm, phấn khởi lắm. Nụ cười đã xuất hiện trở lại thường xuyên trên gương mặt người già, trong ánh mắt người trẻ. Đương nhiên, những trò dụ dỗ, lôi kéo của tà đạo Hà Mòn cũng lỗi thời, không ai còn tin, còn nghe theo nữa.

Trong căn nhà cấp bốn của già làng A Nhum nằm giữa thôn Đăk Tăng, dẫu chưa đầy đủ tiện nghi, nhưng được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Ông tất bật mang ghè rượu nhỏ, khẩn khoản mời khách.

Chúng tôi lần lượt vít cần, cảm nhận vị men lâng lâng, đậm đà, sâu lắng và nghe ông bộc bạch: Mấy năm trước nơi đây buồn lắm, ai cũng cảm giác như mình mắc lỗi, không muốn trò chuyện với người ngoài. Nay thì khác rồi, đã vang lại tiếng chiêng báo với thần linh khi làng mở hội. Có tiếng chiêng mừng người trẻ chào đời và cả việc tiễn đưa người chết về với thế giới ông bà. Người già như mình thấy vui cái bụng lắm!

Chiều chập choạng ào đến, rồi cũng nhanh chóng đi qua. Để lại bầu trời đêm Đăk Tăng yên bình, vọng tiếng chiêng từ mái nhà rông, lúc vút lên không trung, khi hòa vào ánh sao lan tỏa mặt hồ lóng lánh.

Bài ảnh: Trần Văn Tiên

Chuyên mục khác