Đăk Tăng “nóng” tình trạng sinh con thứ 3

01/07/2018 07:04

Trong những năm qua, mặc dù các cấp chính quyền và ngành chức năng của huyện Sa Thầy có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình nhằm giảm thiểu tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở các địa phương cơ sở và cũng đã đem lại hiệu quả tích cực. ​Tuy nhiên, những năm gần đây, tại thôn Đăk Tăng (xã Sa Nghĩa) tình trạng sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng...

Vào giữa tháng 6, chúng tôi có dịp về thôn tái định cư Đăk Tăng (xã Sa Nghĩa) trong buổi xế chiều mưa lất phất. Con đường từ UBND xã Sa Nghĩa vào thôn Đăk Tăng ngoằn ngoèo dài chừng 15 cây số, giờ đã xuống cấp nghiêm trọng.

 Khi chúng tôi rẽ vào con đường bê tông dẫn vào thôn thì mưa bắt đầu tạnh. Trời cũng đã ửng hồng sau trận cơn mưa rả rích đầu mùa. Những vạt nắng chiều vàng ươm kéo dài từ bên kia triền đồi, chạm vào đỉnh núi, rồi chiếu xuống lòng hồ thủy điện Plei Krông bao quanh thôn Đăk Tăng làm cho cảnh vật xung quanh như bừng sáng. Bọn trẻ con trong thôn kéo nhau ra gần khu vực nhà rông ở giữa thôn để chơi những trò chơi dân gian...

Nhà của A Jap- Trưởng thôn Đăk Tăng nằm ở cuối thôn. Chỉ cần cuốc bộ vài chục bước chân là “chạm được mặt nước” của lòng hồ thủy điện Plei Krông.

 Tranh thủ trời bắt đầu nắng ráo, A Jap vác cuốc ra sau vườn đào hố để chuẩn bị trồng cà phê. Nghe tiếng chó sủa và có tiếng xe vào nhà, A Jap vội vàng bỏ cuốc để về nhà. Nhận ra người quen, A Jap niềm nở mời chúng tôi vào nhà và tự tay pha ấm trà tiếp khách.

Bên tách trà, khi được hỏi về tình trạng sinh con thứ 3 trở lên trong thôn, A Jap than thở: Những năm gần đây, mặc dù ngành chức năng của huyện Sa Thầy cùng với địa phương đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, nhưng tình trạng này ở thôn Đăk Tăng vẫn không giảm.

“Mình tổ chức vận động, tuyên truyền, hướng dẫn là một chuyện nhưng các gia đình dù nghèo khổ, đông con nhưng họ thích là họ đẻ thôi” - A Jap chán chường khi nói về tình trạng sinh con “không phanh” của người dân trong thôn.

“Cuối năm 2014, thôn thành lập, lúc đó trong thôn chỉ có 56 hộ, đến nay đã tăng lên 126 hộ với gần 700 khẩu, trong đó có 67% là hộ nghèo. Hầu hết trong thôn gia đình nào cũng sinh con thứ 3 trở lên, trong đó có rất nhiều gia đình sinh 7 - 8 người con, thậm chí cá biệt có gia đình sinh tới 11 - 12 người con...” - A Jap cho chúng tôi biết.

Chị Y Byải ở thôn Đăk Tăng năm 38 tuổi, nhưng đã có đến 9 người con. Do liên tục sinh nở, mọi gánh nặng cơm áo cho 11 miệng ăn trong gia đình chỉ do một mình chồng chị gánh vác. Quanh năm hết làm rẫy rồi đi làm thuê, nhưng nhà Y Byải vẫn không đủ ăn. “Cán bộ dân số nhiều lần đến vận động không nên tiếp tục sinh con vì con đông sẽ càng làm thêm khổ nhưng vợ chồng Y Byải không nghe mà vẫn cứ tiếp tục đẻ” - A Jap cho chúng tôi biết thêm.

Tuy nhiên, gia đình Y Byải chưa là gì nếu so với gia đình của vợ chồng anh A The và chị Y Prah. Năm nay, chị Y Prah mới 43 tuổi nhưng đã có tới 12 người con. Chỉ trong vòng 18 năm mà chị đã đẻ đến 12 người con. Người con lớn nhất của anh chị A The - Y Prah năm nay 19 tuổi và người con nhỏ nhất năm nay mới hơn 1 tuổi.

Nhìn đàn con nheo nhóc trong căn nhà tái định cư rộng chỉ vài chục mét vuông của anh chị mà chúng tôi thật sự ái ngại. Thế nhưng, khi được hỏi có tiếp tục đẻ nữa không chị Y Prah chỉ cười và trả lời “không biết nữa!”.

Ở Đăk Tăng, không chỉ gia đình Y Byải, Y Prah có đông con mà còn nhiều gia đình khác như các gia đình: Y Ver có 11 người con, Y Byung có 9 người con, Y Bek có 9 người con, Y Joai có 8 người con...  

Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Sa Nghĩa cho biết: Cuối năm 2014, xã Sa Nghĩa tiếp nhận thêm thôn Đăk Tăng với 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và đều thuộc diện hộ nghèo. Trong nhiều năm qua, thôn Đăk Tăng luôn được địa phương đưa vào danh sách thôn ưu tiên tổ chức chiến dịch cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; địa phương cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, nhận thức của người dân nơi đây về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình chưa có chuyển biến tích cực.

Trước tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở Đăk Tăng đang “nóng”, trong thời gian tới, đòi hỏi các cơ quan chuyên môn của huyện Sa Thầy và hệ thống chính trị ở xã Sa Nghĩa tích cực phối hợp hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, kiên trì sử dụng biện pháp “mưa dầm thấm lâu” trong hoạt động tuyên truyền, nhằm góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân. Đồng thời, chính quyền và ngành chức năng cần khen thưởng, biểu dương những hộ gia đình thực hiện tốt chính sách dân số, không sinh con thứ 3 và gương mẫu vận động người thân thực hiện chính sách dân số. Cùng với việc ngành Y tế kịp thời cung cấp dịch vụ và phương tiện tránh thai cho người dân thì việc phát huy vai trò của các già làng, những người có uy tín trong thôn tạo sự kết nối trong quá trình tuyên truyền giảm sinh cho người dân, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động. Có như vậy mới mong giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Đăk Tăng.

                                                                                               Bảo Châu

Chuyên mục khác