Đăk Ruồng nỗ lực nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới

08/12/2019 06:16

Từ khi đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016 đến nay, xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Nhờ vậy, diện mạo kinh tế - xã hội của xã nông thôn mới Đăk Ruồng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

Đăk Ruồng là xã miền núi có tổng diện tích tự nhiên 6.888,23ha. Xã có 2 thôn người Kinh và 5 thôn đồng bào DTTS. Người dân trong xã đa phần sống dựa vào sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng như lúa, mì, mía và cao su.

Thời điểm đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người của xã Đăk Ruồng đạt 27,07 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 6,9%, tổng số nhà ở đạt chuẩn 79,6%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên 91,67%, tổng số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,4%, 5/7 thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa, 4/5 trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn Quốc gia…

Ông Đinh Ngọc Hải - Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết, ngay sau khi đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới, hàng năm, UBND xã đều ban hành các kế hoạch để phát triển và nâng cao các tiêu chí đã đạt được, nhất là các tiêu chí về giao thông, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo. Cấp ủy đảng và chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới; chú trọng phát huy vai trò của bí thư chi bộ, thôn trưởng, già làng trong công tác tuyên truyền vận động. Nhờ vậy, tạo được sự đồng thuận, nhất trí và sự tự nguyện tham gia đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới với quan điểm “lấy sức dân phục vụ cho dân”, từng bước đưa công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đi vào chiều sâu, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nông nghiệp và đời sống nông dân theo hướng tích cực.

Diện mạo xã nông thôn mới Đăk Ruồng ngày càng khởi sắc. Ảnh: Lê Hải

 

Nhằm thay đổi đời sống kinh tế hộ gia đình, xã xác định, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Trên cơ sở đó, xã Đăk Ruồng triển khai vận động cho người dân đưa 2 giống mì KM140 và KM419 vào sản xuất; xây dựng cánh đồng lớn với 2 loại cây trồng mì và mía tại thôn 11 và thôn 14; liên kết với Công ty cổ phần Fococev Tây Nguyên (đơn vị có Nhà máy Chế biến tinh bột sắn đặt tại địa phương) tiêu thụ sản phẩm mì do nhân dân trồng và thu hoạch được; xây dựng các vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao tại thôn 10 và thôn 13; phát triển diện tích nuôi cá nước ngọt trên hồ đập; làm tốt công tác phòng chống thiên tai và dịch bệnh; ưu tiên các giải pháp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh…

Hướng đi mới trong sản xuất góp phần làm gia tăng giá trị, hiệu quả sản xuất, mở rộng và phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh dịch vụ, từng bước dịch chuyển cơ cấu sản xuất hợp lý, đúng hướng. Từ đó, doanh nghiệp thu mua nông sản, tổ hợp tác của hội viên nông dân, cơ sở chế biến và xưởng mộc đóng đồ gỗ dân dụng, trang trại sản xuất nông nghiệp, cơ sở gia công cơ khí, cơ sở kinh doanh dịch vụ, cửa hàng tạp hóa bán hàng tiêu dùng… trên địa bàn hàng năm được hình thành mới và có hướng phát triển. Năng suất cây trồng, nhất là cây mì, được nâng lên rõ rệt (đạt 40 - 50 tấn/ha). Nhiều lao động có thêm việc làm, thu nhập của người dân vì thế cũng tăng theo. Năm 2019, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 37 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,7%; tổng số nhà ở đạt chuẩn tăng lên 83,73%...

Bên cạnh đó, xã Đăk Ruồng còn sử dụng hiệu quả nguồn vốn của dự án giảm nghèo Tây Nguyên, kêu gọi xã hội hóa, vận động nhân dân đóng góp kinh phí và ngày công… để nâng cao tiêu chí về giao thông. Sau hơn 3 năm từ khi đạt chuẩn nông thôn mới, đường ngõ, xóm ở các thôn trong xã được bê tông hóa thêm 0,7km; đường trục chính, nội đồng được bê tông hóa thêm 3km. 

Ngoài ra, xã Đăk Ruồng quan tâm và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn được giao để phát triển cơ sở y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa; phát triển cơ sở giáo dục; vệ sinh môi trường, khắc phục, xử lý ô nhiễm…

Đến nay, xã Đăk Ruồng có Trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%; 7/7 thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa; các trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn Quốc gia; không còn tình trạng phát (đốt) rừng làm rẫy, săn bắt động vật rừng, khai thác khoáng sản trái phép; lắp đặt thêm 33 thùng rác dọc theo Quốc lộ 24 và Tỉnh lộ 677; thành lập 7 tổ tự quản bảo vệ môi trường tại 7 thôn…

Ông Đinh Ngọc Hải khẳng định quyết tâm, xã Đăk Ruồng đặt mục tiêu tiếp tục giữ vững xã đạt chuẩn nông thôn mới, triển khai thực hiện các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; chú trọng thực hiện các nội dung liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống cho người dân như: Việc làm, nâng cao thu nhập, mức hưởng thụ văn hóa; phát huy vai trò lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể và hiệu quả đóng góp của người dân; xây dựng được các khu dân cư xanh, sạch, đẹp; xã có kinh tế - xã hội phát triển và an ninh trật tự được đảm bảo; phấn đấu đến cuối năm 2020 đưa Đăk Ruồng trở thành xã nông thôn mới nâng cao.  

Đức Thành

Chuyên mục khác