Đăk Rơ Nga: Cảnh báo tình trạng uống rượu quá mức

24/02/2021 13:06

Chúng tôi ghé thăm thôn Đăk Dé, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô khi bà con đã xong mùa vụ. Lần theo những tiếng cười nói vang vọng, chúng tôi dễ dàng tìm đến những bữa nhậu dân dã của các thanh niên trong thôn.

Anh A Dủa ở thôn Đăk Dé cho biết: “Trong làng gần như ai cũng biết uống rượu và tụ tập ăn nhậu đã trở thành thói quen khó bỏ, chỉ khi nào hết tiền thì mới không tổ chức uống rượu thôi. Buổi nào cũng uống được, bất kể sáng, trưa, chiều, tối, miễn sao bạn bè gặp nhau là uống”.

Uống xong ly rượu trên tay, anh A Đơn chia sẻ: Rượu này mua 10.000 đồng/lít thôi. Quanh làng có 3 hộ bán rượu, nơi nào bán rẻ thì mình mua. Tiếp đà hưng phấn do men rượu, anh A Đơn cho biết thêm: “Có quán rượu mình mua uống thấy dở lắm, cồn không à. Đổ rượu vào ly rồi lấy lửa đốt thấy cháy luôn, thế là anh em sợ quá, bỏ luôn bì rượu, không mua quán đó nữa”.

Các thanh niên uống rượu tại thôn Đăk Dé. Ảnh: TL

 

Anh A Niu - Trưởng thôn Đăk Dé cho hay: Không chỉ có thanh niên uống rượu mà trung niên cũng uống nhiều. Họ uống khi rảnh rỗi, khi không có việc để làm. Trong thôn hiện có nhiều người uống rượu quá mức ảnh hưởng đến sức khỏe. Cách đây không lâu, anh A Teang đã tử vong khi mới 41 tuổi. Theo người nhà nguyên nhân là do uống rượu nhiều ngày, cộng với không ăn nên sức khỏe suy kiệt.

Bài học về hậu quả uống rượu quá mức trên thực tế rất nhiều, nhưng không mấy ai đủ bản lĩnh để từ bỏ “ma men”. Cũng theo anh A Niu, tại thôn chỉ còn dưới 10 người đàn ông trên 60 tuổi, trong khi đó, số lượng phụ nữ trên 60 tuổi còn rất nhiều. Kinh tế của nhiều hộ trong thôn giờ đây chủ yếu phụ thuộc vào đôi tay của người phụ nữ, một phần là do tác hại của rượu.

Không chỉ ở thôn Đăk Dé, tình trạng uống rượu quá mức diễn ra tại hầu hết các thôn của xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô. Anh A Lék, ở thôn Đăk Pung cho biết: Hộ uống rượu thường xuyên thì nhiều, trong đó có các hộ như A Thun, A Giáo, A Thành, A Đơn rất hay uống rượu vào sáng sớm. Điểm chung của các hộ này là việc đồng áng, nương rẫy chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm, cuộc sống còn nhiều khó khăn và chưa có hướng để thoát nghèo bền vững.

Có mặt tại các bữa uống rượu của bà con, điều chúng tôi dễ nhận thấy nhất đó là đồ nhắm được làm rất đơn giản. Chủ yếu là thức ăn sẵn có như lá mì muối chua, cá khô, may mắn hơn thì có chuột hay đầu cá tươi. Mọi người tập trung lại chủ yếu là để uống rượu, không nhất thiết phải mồi ngon, mồi nhiều.

Ông Lê Hùng, một hộ nấu và bán rượu tại xã Đăk Rơ Nga tiết lộ: “Giá gạo để nấu rượu bây giờ cũng khá cao, 590.000 đồng/bao 50 kg. Cứ khoảng 10 kg gạo thì nấu được 15 lít rượu, bán giá 10.000 đồng/lít thì không có lời nhưng vẫn bán để giữ khách”. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông bán khoảng 30 lít rượu cho bà con ở các thôn.

Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Nga cho hay: Trong xã có khoảng 10 hộ nấu và buôn bán rượu. Tất cả đều chưa làm thủ tục đăng ký sản xuất và kinh doanh rượu theo quy định của Nhà nước. Mỗi năm, các cơ quan chức năng phối hợp với UBND xã tổ chức kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm từ 3 - 4 đợt; tuy nhiên, chưa thể tiến hành kiểm tra chất lượng rượu có đảm bảo hay không do không có các thiết bị chuyên dụng. Nếu các hộ này có sai phạm trong quá trình sản xuất rượu thì cũng không thể lập biên bản xử lý được. UBND xã và các đoàn thể cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con không uống rượu quá mức; tuy nhiên, thực tế vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể về mặt nhận thức và hành động của người dân. Đến nay, Đăk Rơ Nga vẫn là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỉ lệ cao.

Dọc tuyến đường chính của xã, nhìn những thanh niên đang lảo đảo, ngả nghiêng đi trên đường sau bữa rượu, nhìn những cánh đồng lúa đến thời vụ vẫn chưa được tháo nước để cày bừa, chúng tôi thấy lòng không khỏi xót xa. Rượu như một cơn bão ngầm, âm ỉ cuốn trôi tương lai của các hộ dân nơi đây. Bà con sẽ khó vươn lên thoát nghèo khi thói quen uống rượu hàng ngày vẫn chưa được dẹp bỏ.                   

Tấn Lộc

Chuyên mục khác