Đăk Kôi: Giúp phụ nữ tăng thu nhập từ liên kết sản xuất lúa sạch

05/11/2023 13:15

Nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, Hội LHPN xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy) đã xây dựng và triển khai mô hình “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất lúa sạch”. Tham gia mô hình, các tổ viên được tiếp cận cùng một loại giống, được chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó tạo sản phẩm có chất lượng tốt, giá trị cao, tăng thu nhập.

Hội LHPN xã Đăk Kôi hiện có 599 hội viên, trong đó đa số là người DTTS, sinh hoạt tại 9 chi hội. Với đặc thù là xã thuần nông, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, hầu như gia đình nào cũng có đất ruộng để trồng lúa, tuy nhiên việc trồng lúa cũng chỉ để đáp ứng nhu cầu lương thực của gia đình, chưa tạo thu nhập.

Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác hữu cơ nên lúa phát triển rất tốt. Ảnh: Y.Đ

 

Chị Y Xanh – Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Kôi chia sẻ: Nhận thấy nhiều chị em hội viên trên địa bàn mỗi mùa vụ lúa đều dư ăn và có nhu cầu để bán, nhưng số lượng lại ít, còn nếu tập kết lại để bán sỉ thì không cùng một loại nên cũng rất khó bán. Thế nên, Hội đã tham mưu lên cấp trên thành lập Tổ phụ nữ liên kết sản xuất lúa sạch, nhằm giúp chị em sản xuất cùng một giống lúa, vừa đảm bảo bán sỉ ra thị trường, ổn định được đầu ra, vừa tăng thu nhập cho chị em.

Vào năm 2021, từ nguồn vốn hơn 10 triệu đồng do Hội LHPN huyện hỗ trợ, Hội LHPN xã Đăk Kôi đã triển khai mô hình “Tổ phụ nữ liên kết trồng lúa sạch” trên quy mô 8.000m2 đất ruộng với sự tham gia của 8 hộ hội viên phụ nữ trên địa bàn thôn Kon Rlong.

Tham gia mô hình, các tổ viên được hỗ trợ về giống lúa, phân bón, kiến thức canh tác lúa đạt năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn; thay đổi phương thức canh tác, không dùng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc kích thích mà thay vào đó là sử dụng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học để tiết kiệm chi phí, tạo được sản phẩm chất lượng đưa ra thị trường.

“Tổ phụ nữ liên kết trồng lúa sạch” đã giúp nhiều chị em tại xã Đăk Kôi có thêm thu nhập. Ảnh: Y.Đ

 

Chị Y Khuyên (trú tại thôn Kon Rlong, xã Đăk Kôi), tổ viên Tổ phụ nữ liên kết trồng lúa sạch chia sẻ: Gia đình tôi có 1.000m2 đất ruộng trồng lúa, mỗi mùa vụ thu được khoảng 5 tạ lúa, gia đình có 3 thành viên nên để ăn thôi thì không hết mà số dư đem bán thì ít quá. Từ khi tham gia vào tổ liên kết, tôi được hỗ trợ giống lúa, phân bón, kỹ thuật canh tác hữu cơ nên năng suất đạt cao hơn trước, thu được khoảng 6-7 tạ lúa/vụ. Mỗi mùa vụ, tôi đều trích ra 3 tạ lúa, góp lại cùng các chị em khác đem bán. Vì bán với số lượng lớn nên thương lái đến tận nơi thu mua, có được mối làm ăn lâu dài, gia đình đã có thêm được nguồn thu nhập.

Theo thống kê của Hội LHPN xã Đăk Kôi, ước tính sau mỗi mùa vụ, tổ liên kết gom được hơn 1,8 tấn lúa, với giá bán dao động từ 8.000-9.000 đồng/kg, thu về được hơn 16 triệu đồng. Tổng số tiền này đem chia theo đúng với lượng lúa mà mỗi tổ viên góp vào, ước tính mỗi tổ viên thu được bình quân từ 2 – 3 triệu đồng.

Có thể thấy rằng, việc thành lập Tổ phụ nữ liên kết trồng lúa sạch ở xã Đăk Kôi đã mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình này đã giúp cho nhiều hội viên phụ nữ DTTS trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ cách làm, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất; đồng thời đảm bảo được thị trường tiêu thụ, tăng thêm thu nhập cho các chị em. Đặc biệt đây là mô hình thiết thực trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ và người dân về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thói quen trong việc sản xuất các loại nông sản an toàn trong mỗi gia đình, góp phần xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.

Chị Y Xanh cho biết: Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động thêm nhiều hội viên tại Chi hội thôn Kon Rlong tham gia vào mô hình và nhân rộng tại các chi hội còn lại. Đồng thời, Hội sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan giúp đỡ, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, giống lúa cho các chị em.   

Y Đô

Chuyên mục khác