Đăk Kơ Đem đi tới

12/10/2019 06:10

Vinh dự là một trong số tập thể của tỉnh được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen về thành tích thi đua trong giai đoạn 2014-2019 trở thành động lực thúc đẩy bà con Đăk Kơ Đem vững tin đi tới, ra sức chung tay xây dựng khu dân cư văn hóa, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới ở xã Đăk Ui anh hùng.

Đầu tháng 10, những cánh đồng lúa đã già đòng, những vườn cà phê đã chắc hạt, đang chờ mùa gặt, mùa hái. Làng Đăk Kơ Đem, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà thật trong lành và bình yên. Đây cũng là thời điểm “nông nhàn” hiếm hoi trong năm của bà con Xơ Đăng ở đây, trước khi bước vào những tháng cuối năm bận rộn. Chờ chúng tôi trong nhà rông mái tranh, cột gỗ uy nghi, đúng “chất” của người Xơ Đăng vùng chiến khu xưa, già làng A Tiếp niềm nở đón khách.

Già làng kể: Là vùng căn cứ kháng chiến kiên cường, nổi tiếng với đội du kích gan dạ đánh giặc bằng hầm chông, bẫy thò, nhưng ở Đăk Ui trước đây, dân làng Đăk Kơ Đem lại nằm trong vùng địch tạm chiếm. Bao năm dân làng sống trong ấp chiến lược, thuộc vòng kìm tỏa của Mỹ ngụy. Sau ngày Kon Tum hoàn toàn giải phóng, cùng với sự đi lên của xã Đăk Ui anh hùng, làng Đăk Kơ Đem đã đổi thay không ngừng. Bà con được di dời từ làng cũ ở vùng sâu ra khu trung tâm, bên đường lớn, nơi đứng chân trụ sở Đảng ủy, HĐND-UBND xã. Đi lại thuận tiện, lại được Nhà nước quan tâm đầu tư định cư, định canh, đời sống bà con không ngừng được cải thiện. Chẳng những ổn định canh tác ruộng nước, chăn nuôi heo, bò; các hộ còn thực sự thấy hướng phát triển từ các loại cây dài ngày mà chủ yếu là cà phê, bời lời.

Đường vào làng Đăk Kơ Đem. Ảnh: TN

 

Ông A Xanh- Bí thư Chi bộ thôn Đăk Kơ Đem là một trong số cá nhân đi đầu đưa cây cà phê “khó tính” vào vườn nhà. Từ vài chục cây “trồng thử” vào năm 1997, hiện gia đình ông đã có hơn 1.100 cây cà phê kinh doanh luôn sinh trưởng và phát triển tốt, thu nhập bình quân mỗi năm 100 triệu đồng.

Từ lâu đã không còn phát rừng làm rẫy, bà con làng Đăk Kơ Đem hiện chỉ giữ khoảng 75ha mì, phần lớn là tập trung thâm canh hơn 50ha ruộng nước hai vụ và 72ha cà phê, đó còn chưa kể gần 150ha bời lời, 5ha cao su ghi nhận thêm kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. 

Thôn trưởng A Duy “bật mí” thêm: Bây giờ, các gia đình cố gắng thi nhau chăm sóc cây trồng để đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Nhà nào cũng chăm lo làm cỏ, chịu khó nước nôi đầy đủ; đặc biệt không dùng thuốc trừ sâu bừa bãi mà dùng phân chuồng, phân xanh, dùng chế phẩm sinh học hợp lý. Hiện tại, không chỉ phát triển trồng trọt, làng Đăk Kơ Đem còn duy trì chăn nuôi đàn gia súc lớn hơn 200 con, bình quân mỗi hộ nuôi một đến hai con bò hoặc trâu.

Thâm canh cây cà phê tại Đăk Kơ Đem. Ảnh: TN

 

Nhờ ổn định thâm canh các loại cây trồng và chăn nuôi gia súc, đến nay, trong tổng số 207 hộ với hơn 700 nhân khẩu (gần 95% là đồng bào dân tộc Xơ Đăng), Đăk Kơ Đem chỉ còn 9% hộ nghèo, hơn 90% gia đình đã có nhà ở kiên cố, bán kiên cố. Không ít hộ mua sắm được máy cày, máy gặt đập liên hợp, xe công nông để phục vụ bà con. 

Được thành lập vào năm 1982, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thiếu thốn, làng Đăk Kơ Đem vẫn thủy chung giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống trong cộng đồng. Nhà rông hiện tại đã được dựng lại cách đây 4 năm, do bà con chung tay tìm kiếm nguyên vật liệu, đóng góp ngày công lao động để dựng lên. Không chỉ giữ hồn làng qua mái nhà rông truyền thống, bà con còn tự nguyện đóng góp, mua lại một bộ cồng chiêng để dùng chung. Đội cồng chiêng- xoang người lớn và đội cồng chiêng thiếu nhi thường xuyên luyện tập, diễn xướng trong các hoạt động cộng đồng và lễ hội, sự kiện văn hóa do các cấp tổ chức. Nghề đan lát truyền thống, dệt thổ cẩm được khôi phục. Nghệ nhân A Klang nổi tiếng khéo tay, giỏi đan mây tre. Các sản phẩm ông làm ra đều được bà con yêu thích sử dụng. Ông A Klang cũng là thành viên tổ hợp tác đan lát mây tre của những người cao tuổi xã Đăk Ui, góp sức gây dựng một trong số sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần làm phong phú các sản phẩm đặc trưng của huyện Đăk Hà.

Sản phẩm đan lát của nghệ nhân A Klang. Ảnh: TN

 

Ổn định sản xuất, nỗ lực giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí quy định, Đăk Kơ Đem còn là khu dân cư tiêu biểu xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tháng 9/2019, tổng số đảng viên của chi bộ là 28 đồng chí. Bí thư Chi bộ A Xanh tự hào nói: Hầu hết đảng viên của chi bộ đều được tạo nguồn, phát triển từ phong trào quần chúng ở địa phương; luôn tích cực, gương mẫu trong mọi hoạt động ở khu dân cư. Chi bộ thôn nhiều năm liên tục được công nhận trong sạch vững mạnh, được Tỉnh ủy tặng Bằng khen Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Vinh dự là một trong số tập thể của tỉnh được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen về thành tích thi đua trong giai đoạn 2014-2019 trở thành động lực thúc đẩy bà con Đăk Kơ Đem vững tin đi tới, ra sức chung tay xây dựng khu dân cư văn hóa, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới ở xã Đăk Ui anh hùng.        

Thanh Như

Chuyên mục khác